Tuy nhiên, công tác THADS vẫn còn nhiều vướng mắc cần tiếp tục được giải quyết.
Trong năm 2023, kết quả THADS xong về việc và về tiền đều tăng; các vụ án về kinh tế, tham nhũng, đã thu tăng hơn 4.415 tỷ đồng (tăng 27,62%) so với cùng kỳ. Năm 2023, toàn hệ thống phải thi hành 922.311 việc, số có điều kiện thi hành án là 690.448 việc. Đã thi hành xong là 574.819 việc, đạt tỷ lệ 83,25% (tăng 0,75% so với năm 2022). Về tiền, tổng số phải thi hành hơn 388.509 tỷ đồng, số có điều kiện thi hành hơn 191.129 tỷ đồng.
Đã thi hành xong hơn 89.412 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 46,78% (tăng 1,24% so với năm 2022). Tuy nhiên, số lượng án có điều kiện thi hành tồn đọng chuyển kỳ sau còn ở mức cao; việc thu hồi khoản nợ cho các tổ chức tín dụng còn chậm, đơn thư khiếu nại, tố cáo về THADS có chiều hướng tăng. Nhiều vụ án lớn, với số tiền và tài sản thi hành án cao, nhưng công tác thu hồi tiền và tài sản để phục vụ công tác thi hành án rất hạn chế.
Nguyên nhân do một số quy định về THADS bất cập, quan điểm áp dụng pháp luật trong một số trường hợp còn khác nhau. Tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế phải xử lý ở nhiều địa phương, tính chất pháp lý phức tạp. Số việc và tiền thụ lý mới tăng cao so với các năm trước trong khi nguồn lực bảo đảm cho công tác THADS chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Đơn cử, tại thành phố Đà Nẵng, theo báo cáo của Chi cục THADS thành phố, kết quả THADS năm 2023 (tính từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023) đạt thấp, số tiền có điều kiện thi hành hơn 9,1 nghìn tỷ đồng nhưng chỉ thi hành xong hơn 2,1 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 23,3%. Trong đó, số tiền có điều kiện thi hành tại 80 vụ liên quan đến án kinh tế, tham nhũng hơn 4.381 tỷ đồng, nhưng chỉ thu hồi được hơn 473 tỷ đồng, đạt hơn 10,8%.
Mặc dù, nhiều vụ án có tài sản bảo đảm để thi hành án là bất động sản nhưng bán đấu giá chưa ai mua dẫn tới không thi hành được. Trong đó có các vụ: vụ án Nguyễn Thị Bích Thuận, Hồ Thị Cẩm Uyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 100 người, số tiền phải thi hành án gần 95 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh - Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có giá trị phải thi hành hơn 3.946 tỷ đồng, hiện nay còn nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng.
Theo cơ quan chức năng, công tác THADS thời gian qua còn nhiều vướng mắc, trong đó bên cạnh những bất cập về cơ chế thu hồi tiền và tài sản để thi hành án thì hiện nay còn có khoảng trống cơ chế bảo vệ Chấp hành viên. Với chính sách hiện nay, hoạt động của Chấp hành viên là trung tâm của hoạt động tổ chức thi hành án, trực tiếp tác động đến tài sản, nhân thân của đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Vì thế, Luật Thi hành án dân sự cũng đã quy định trách nhiệm của Chấp hành viên khá nặng nề. Theo thống kê, trung bình một Chấp hành viên phải tổ chức thi hành 220 việc/năm, ở những địa bàn lớn, phức tạp như Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội..., mỗi Chấp hành viên phải tổ chức thi hành từ 315 đến 385 việc/năm. Như vậy, với số lượng công việc rất lớn, nhiều việc khó nên trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên không thể tránh khỏi có những sai sót, sai lầm nhất định. Tuy nhiên, các quyết định của Chấp hành viên được áp dụng ngay để tổ chức thi hành án, không có cơ chế xem xét lại.
Xác định việc làm đúng hay sai của Chấp hành viên được xem xét, xác định khi có khiếu nại, tố cáo của đương sự, kiểm tra, kiểm sát của cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy khi có thiếu sót, vi phạm thì phát sinh ngay hậu quả, nhiều trường hợp rất khó khắc phục, nhưng cho đến nay, hầu như rất ít quy phạm pháp luật được ban hành để bảo vệ Chấp hành viên.
Theo dự báo, năm 2024, nhiệm vụ của ngành THADS còn rất nặng nề với nhiều vụ án, vụ việc có số tiền và tài sản phải thu hồi để thi hành án lớn. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của ngành THADS đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
Tổng cục THADS cần tiếp tục áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường thanh tra, kiểm tra, thực hiện chặt chẽ quy định pháp luật nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm; tăng cường tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác THADS, bảo đảm thực thi pháp luật hiệu quả, đúng tiến độ, không để xảy ra sai sót; thực hiện nghiêm và hiệu quả Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đã phát huy tác dụng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị; bên cạnh đó, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn vướng mắc, bất cập; có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan THADS khi để xảy ra sai sót, vi phạm, chậm trễ trong khâu thi hành án khi đã đủ điều kiện để thi hành; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS; tăng cường tự kiểm tra, kiểm tra công vụ, nội bộ, xác định trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện các biện pháp quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho cơ quan THADS; quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong THADS.