Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Riyadh bắt đầu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh

NDO - Khoảng 15 giờ 20 phút chiều 18/10, giờ Riyadh, tức 19 giờ 20 phút tối, giờ Hà Nội, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay quốc tế Quốc vương Khalid ở thủ đô Riyadh, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và thăm Vương quốc Saudi Arabia từ ngày 18 đến 20/10 theo lời mời của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay quốc tế Quốc vương Khalid ở thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. (Ảnh: Nhật Bắc)
Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay quốc tế Quốc vương Khalid ở thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. (Ảnh: Nhật Bắc)

Ra sân bay đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam về phía Saudi Arabia có Thống đốc thành phố Riyadh, Tổng Thư ký GCC, Đại sứ Saudi Arabia tại Việt Nam. Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán.

Theo chương trình, Thủ tướng sẽ tham dự và phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC; gặp gỡ và tiếp xúc song phương với lãnh đạo Saudi Arabia và các nước thành viên GCC, ASEAN; dự Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam-Saudi Arabia, tiếp lãnh đạo một số bộ, ngành, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, Quỹ đầu tư của Saudi Arabia...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Riyadh bắt đầu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh ảnh 1
Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay quốc tế Quốc vương Khalid ở thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. (Ảnh: Nhật Bắc)

Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và GCC kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ năm 1990, có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu của cả hai bên. GCC là tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông gồm 6 quốc gia thành viên ở khu vực vùng Vịnh là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman. Tổng diện tích các quốc gia thành viên là 2,67 triệu km2, dân số 56 triệu người. GCC được thành lập tháng 5/1981, có trụ sở chính tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.

Các nước GCC cơ bản thực thi đường lối đối ngoại ôn hòa, đẩy mạnh chính sách Hướng Đông, quan tâm đến hợp tác với Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và triển khai các chính sách tạo thuận lợi cho việc phát triển quan hệ hai bên.

Về kinh tế, với lợi thế về trữ lượng dầu lửa và khí đốt (4/6 nước GCC là thành viên OPEC trong đó Saudi Arabia và UAE có vai trò lãnh đạo trong tổ chức này), các nước GCC có nền kinh tế rất phát triển, với GDP đạt khoảng 2.000 tỷ USD năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, trung bình khoảng 38.447 USD/năm. Tất cả 6 nước thành viên GCC đều là đối tác hợp tác ưu tiên của Việt Nam Trung Đông - châu Phi với quan hệ trải rộng trong nhiều lĩnh vực gồm chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, ODA, lao động…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Riyadh bắt đầu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh ảnh 2

Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: Nhật Bắc)

Quan hệ giữa Việt Nam và các nước thành viên GCC phát triển rất tích cực trong thời gian qua. Việt Nam và 4 nước GCC (Saudi Arabia, Kuwait, Qatar, UAE) đã mở Đại sứ quán ở nhau. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực đạt 12,5 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của các nước GCC vào Việt Nam hiện đạt khoảng 1 tỷ USD. Một số quỹ đầu tư, tập đoàn trong khu vực đang đầu tư gián tiếp vào Việt Nam, song số liệu không được thống kê đầy đủ. Hiện có khoảng 11.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước GCC. Việt Nam đang triển khai đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với UAE...

Đối với quan hệ song phương, Việt Nam và Saudi Arabia lập quan hệ ngoại giao ngày 21/10/1999. Hai nước đã tiến hành họp Tham vấn chính trị lần thứ nhất tại Riyadh tháng 2/2023. Hai bên có kế hoạch họp Ủy ban Liên Chính phủ lần thứ 5 tại Hà Nội trong năm 2023. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế.

Trao đổi thương mại giữa hai nước năm 2022 đạt trên 2,7 tỷ USD, tăng 32,4% so với năm 2021. Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, gạo, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác. Việt Nam nhập các sản phẩm chủ yếu như chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, khí đốt hóa lỏng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Riyadh bắt đầu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh ảnh 3

Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: Nhật Bắc)

Về hợp tác đầu tư và hỗ trợ phát triển, nhiều tập đoàn, công ty lớn của Saudi Arabia đang thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam như Tập đoàn Zamil Steel, Tập đoàn Sabic thành lập Công ty TNHH Sabic Việt Nam. Ngoài ra, Quỹ Phát triển Saudi Arabia đã và đang cấp vốn vay ưu đãi cho 13 dự án với tổng trị giá hơn 181 triệu USD.

Năm 2021, Trung tâm Cứu trợ và Nhân đạo Quốc vương Salman (KSrelief) đã trao tặng Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam số tiền 166.666 USD để hỗ trợ nhân dân khó khăn tại các tỉnh An Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận; tặng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 150.000 USD để hỗ trợ nhân dân chịu thiệt hại do lũ lụt tại các tỉnh miền trung trong năm 2020; tặng vật tư y tế trị giá 500.000 USD để giúp Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19. Việt Nam hiện có khoảng 4.000-5.000 lao động làm việc tại Saudi Arabia, chủ yếu là lao động phổ thông...