Cơ hội đột phá trong quan hệ Việt Nam-Saudi Arabia

Saudi Arabia được biết đến không chỉ là cường quốc dầu mỏ hàng đầu thế giới mà còn là quốc gia hiện đại, không ngừng sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi và đa dạng hóa mô hình kinh tế với điểm nhấn là một loạt các siêu dự án đầy tham vọng. Với nền tảng quan hệ hữu nghị tốt đẹp, nhiều điểm tương đồng, có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn, Việt Nam và Saudi Arabia đứng trước cơ hội phát triển đột phá trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu sản phẩm của Việt Nam tại siêu thị ở Saudi Arabia.
Giới thiệu sản phẩm của Việt Nam tại siêu thị ở Saudi Arabia.

Saudi Arabia đã công bố thành lập bốn đặc khu kinh tế mới tại Riyadh, Jazan, King Abdullah và thị trấn Ras al-Khair. Đây là một phần trong cam kết của Chính phủ Saudi Arabia nhằm củng cố vị thế quốc gia này như một điểm đến của đầu tư toàn cầu. Saudi Arabia cũng đã ra mắt đặc khu logistics tích hợp tại Sân bay quốc tế King Salman ở Riyadh. Các dự án mới này nằm trong giai đoạn đầu của chương trình dài hạn mà Saudi Arabia đang triển khai nhằm khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và phát triển kinh tế tại nước này.

Ngoài ra, Saudi Arabia cũng công bố sáng kiến để thu hút đầu tư vào chuỗi cung ứng, với mục tiêu ban đầu là huy động 40 tỷ riyal (khoảng 10,64 tỷ USD). Quốc gia vùng Vịnh này cũng cung cấp khả năng tiếp cận dầu, khí đốt, điện, năng lượng tái tạo và nguồn nhân lực với chi phí cạnh tranh. Saudi Arabia đang đầu tư mạnh cho hệ thống cơ sở hạ tầng, bao gồm các sân bay và cảng biển, hướng tới mục tiêu vào cuối thập kỷ trở thành một trung tâm về vận tải và logistics, được nêu ra trong kế hoạch đa dạng hóa kinh tế của đất nước.

Việt Nam và Saudi Arabia là hai nền kinh tế phát triển năng động ở hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông, đều đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững. Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai quốc gia không ngừng được củng cố và phát triển kể từ thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 10/1999).

Trong hơn 20 năm qua, Saudi Arabia và Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ bền chặt, trở thành những đối tác khu vực quan trọng của nhau. Saudi Arabia là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 32,4% so mức năm 2021, con số ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng, cảng biển, thực phẩm Halal, du lịch, đổi mới sáng tạo... Nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư lớn của Saudi Arabia triển khai hiệu quả các dự án đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam trong các lĩnh vực bất động sản, năng lượng và thép..., tiêu biểu là dự án tiên phong Zamil Steel (sản xuất thép). Tuy nhiên, quan hệ thương mại Việt Nam-Saudi Arabia còn khiêm tốn, chưa đáp ứng kỳ vọng của cả hai bên. Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước mới bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam và 0,61% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Saudi Arabia.

Việt Nam và Saudi Arabia đang tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng (hóa dầu, năng lượng xanh), đầu tư, công nghiệp chế tạo, văn hóa, công nghiệp Halal, nhất là hợp tác phát triển du lịch, thể thao… Với việc Việt Nam ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, đề án đầu tiên đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia nhằm khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng, hai nước có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác khi Saudi Arabia là một trong những đối tác và thị trường ưu tiên của Việt Nam về Halal.

Việt Nam mong muốn Saudi Arabia hỗ trợ phát triển ngành Halal và tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn Hồi giáo Halal tại Saudia Arabia và các nước Hồi giáo thông qua đầu tư sản xuất, đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Saudi Arabia có nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác nông nghiệp. Saudi Arabia là quốc gia có diện tích sa mạc rất lớn và khí hậu không thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, khá nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia quan tâm đến hàng hóa của Việt Nam, nhất là nông sản và thực phẩm, giữa lúc quốc gia Trung Đông đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung để bảo đảm an ninh lương thực.

Một số nhà đầu tư Saudi Arabia cũng quan tâm đến các dự án của Việt Nam trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông sản, dệt may. Với những thế mạnh của mình, Việt Nam có thể thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản như gạo, hạt điều, chè, hạt tiêu, cà-phê, cá đông lạnh, cá hộp, thực phẩm, vật liệu xây dựng, sản phẩm trang trí nội thất, than củi, trầm hương, hàng may mặc... vào thị trường Saudi Arabia.

Năm 2024, Việt Nam và Saudi Arabia sẽ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, dấu mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Với những bước phát triển tích cực trong quan hệ, hai bên đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.