Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Prahova Aurelian Gogulescu cho biết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Prahova có lịch sử hợp tác với Việt Nam từ năm 2001 với việc ký kết hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Năm 2002, Phòng Thương mại và Công nghiệp Prahova phối hợp thành lập một đơn vị liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Romania trong lĩnh vực dầu khí. Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với tỉnh Prahova đạt khoảng 3,3 triệu euro.
Prahova đánh giá cao sự phát triển nhanh của Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế. Điều này cho phép chúng ta tin tưởng Việt Nam sẽ là con hổ tiếp theo của châu Á. Xét quan hệ hợp tác hai nước, giữa tỉnh với Việt Nam thì thấy rõ hai bên còn rất nhiều tiềm năng. Ông nêu lĩnh vực hợp tác tiêu biểu và tiềm năng là dầu khí, cả trên lĩnh vực kinh tế và hàn lâm học thuật. Hai bên có thể hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chăn nuôi, thực phẩm, trồng nho.
Ông nêu rõ, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là niềm vinh dự với tỉnh; cho biết sẽ phối hợp với phía Việt Nam tổ chức một đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam tìm hiểu thị trường, đó sẽ là cơ hội để chuyển hóa tiềm năng hợp tác giữa hai bên thành hiện thực.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Prahova Aurelian Gogulescu phát biểu ý kiến. |
Theo ông, sự hợp tác giữa Prahova với Việt Nam tiến triển thuận lợi như vậy là nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Bộ trưởng Kinh tế. Tỉnh trưởng Prahova mong được hợp tác với Việt Nam về phát triển vaccine phòng dịch bệnh.
Bộ trưởng Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania Stefan-Radu Oprea trân trọng cảm ơn Thủ tướng và Đoàn thăm Romania cũng như tỉnh Prahova; ngành dầu khí Prahova và ngành dầu khí Việt Nam gắn bó chặt chẽ với nhau nhờ nền tảng tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước. Chúng ta còn có Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Thời gian qua, Việt Nam đã phát triển kinh tế rất nhanh và năng động, có lợi thế dân số đông (100 triệu người). EVFTA đã tạo ra cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp tỉnh. Sự phát triển của Việt Nam rất thần kỳ. Ông đề nghị các doanh nghiệp Prahova tranh thủ cơ hội có Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và các Bộ trưởng trong Chính phủ Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác, làm ăn.
Bộ trưởng Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania Stefan-Radu Oprea phát biểu ý kiến. |
Ông cho rằng, thị trường Việt Nam có thể sẽ tiếp nhận các sản phẩm ngũ cốc của Prahova; cho biết tỉnh là nơi có nhà máy lọc dầu đầu tiên của Romania.
Ông tin tưởng chúng ta có thể làm được nhiều hơn nữa, thể hiện tiềm năng của Romania và Việt Nam; hy vọng sau chuyến thăm này, cộng đồng doanh nghiệp hai nước sẽ tăng cường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.
Thị trưởng thành phố Ploiesti (tỉnh Prahova) Andrei-Liviu Volosevici mong hai bên sẽ trở thành bạn bè thân thiết đến mức “Hễ gọi là đến”.
Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn Romania luôn hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong bất kỳ hoàn cảnh nào; đặc biệt tỉnh Prahova với thành phố Ploiesti có mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam từ rất lâu.
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng chứng kiến thành phố có nhiều đổi mới, đặc biệt là có đường cao tốc, quản lý thành phố bằng công nghệ thông minh; quản lý dịch vụ công và an sinh xã hội rất tốt. Thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp. Điểm nhấn lớn nhất của tỉnh Prahova và thành phố Ploiesti đã giúp đỡ Việt Nam đào tạo hơn 300 tiến sĩ, kỹ sư Việt Nam trong ngành dầu khí, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế trong hơn 30 năm qua.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Cách đây 30 năm, Thủ tướng bày tỏ có dịp đến thành phố này để trao Huân chương Hữu nghị, mấy năm qua, dù đại dịch Covid-19 nhưng việc đào tạo nhân lực cho ngành dầu khí Việt Nam vẫn được tiếp tục. Ngoài ra, còn có nhiều hợp tác, do đó, Thủ tướng đánh giá cao và hoan nghênh, tán thành, bày tỏ sẵn sàng hợp tác, cần tìm phương thức hợp tác mới, bổ sung những động lực cũ, tìm những động lực hợp tác mới trong thời gian tới. Việt Nam đang tập trung phát triển chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế lớn của thế giới. Việt Nam và Romania có chung mục tiêu thúc đẩy những lĩnh vực này.
Hai nền kinh tế Việt Nam và Romania có thể bổ sung, hỗ trợ nhau, nhất là Việt Nam với dân số 100 triệu dân có thể bổ sung nguồn nhân lực cho Romania, đây là động lực mới trong hợp tác. Các doanh nghiệp hai bên sẽ ký kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong những ngành mới nổi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân chụp ảnh lưu niệm với các quan chức Chính phủ Romania, tỉnh Prahova, Phòng Thương mại và Công nghiệp Prahova. |
Thủ tướng cho biết, cơ hội lớn là Việt Nam sắp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau... Đây chính là lĩnh vực dầu khí là thế mạnh của Romania, tỉnh Prahova. Do đó các bạn có thể đến Việt Nam để hợp tác trong lĩnh vực này.
Hơn 4.000 người Việt Nam đã từng được đào tạo tại Romania nhưng số nhân lực quan trọng được đào tạo chính là trong lĩnh vực dầu khí tại Ploiesti. Do đó, phạm vi hợp tác của hai bên rất rộng và chúng ta có thể làm được. Cái cản trở lớn nhất chính là khoảng cách địa lý. Nhưng trong điều kiện thế giới phẳng, điều kiện công nghệ thông tin, thương mại điện tử và chuyển đổi số, chúng ta sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, hạn chế này.
Theo Thủ tướng, trước đây thì phải gặp nhau trực tiếp, nhưng bây giờ có thể bằng các giải pháp như thanh toán điện tử, thương mại điện tử đang rất phát triển. Ngoài ra, chúng ta còn có các công cụ khác như Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước, tỉnh Prahova; các bộ, ngành Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối hai nền kinh tế. Chúng ta có thể có lời giải cho khắc phục hạn chế về khoảng cách địa lý. Khó khăn trong hợp tác quốc tế hiện nay là lòng tin, nhưng điều này hai nước đã có sẵn và chúng ta chỉ việc củng cố, đây là lợi thế của hai nước.
Thủ tướng tin tưởng khi ngày mai, trong hội đàm, lĩnh vực với các nhà Lãnh đạo Romania thì sẽ đề ra các phương hướng hợp tác cụ thể, qua đó các bộ, ngành hai nước căn cứ vào đó để thực hiện.
Thủ tướng hy vọng hợp tác nhiều mặt Việt Nam và Romania sẽ được mở ra trong giai đoạn tới thiết thực và hiệu quả.