Hội nghị Bàn tròn châu Á-OECD về Quản trị công ty năm 2022 do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam cùng phối hợp với Tổ chức OECD chủ trì tổ chức, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ (SECO). Hội nghị diễn ra trong hai ngày 20-21/10/2022 bao gồm phiên khai mạc và 6 phiên thảo luận.
Hội nghị có sự tham gia của Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, đại diện các đơn vị liên quan trong Bộ Kế hoạch Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan, tổ chức có liên quan khác. Cùng với các cơ quan bộ ngành, Hội nghị cũng nhận được sự tham dự của đại diện các công ty niêm yết, công ty chứng khoán, ngân hàng trong nước và quốc tế hiện đang hoạt động trên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Hội nghị có sự tham gia của ông Yoshiki Takeuchi, Phó Tổng thư ký OECD; cán bộ các cơ quan quản lý thị trường của các nước trong khu vực châu Á, các chuyên gia nước ngoài, cùng nhiều đại biểu diễn giả cao cấp đến từ các nước trong và ngoài khu vực. Hội nghị được hơn 120 đại biểu, đến từ các cơ quan quản lý trong khu vực châu Á đăng ký tham dự.
Phát biểu tại Phiên khai mạc, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Hội nghị bàn tròn OECD-châu Á 2022 là cơ hội quý báu để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa OECD và Việt Nam với tư cách là đồng Chủ tịch Chương trình Khu vực Đông Nam Á của OECD (SEARP) giai đoạn 2022-2025. Đây là hội nghị bàn tròn gặp mặt trực tiếp kể từ năm 2019, sau một thời gian dài thế giới chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây cũng là lần thứ hai Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức Hội nghị Bàn tròn OECD về Quản trị công ty (lần đầu tổ chức tại Hà Nội vào năm 2015).
Hội nghị bàn tròn OECD-châu Á 2022 là cơ hội quý báu để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa OECD và Việt Nam với tư cách là đồng Chủ tịch Chương trình Khu vực Đông Nam Á của OECD (SEARP) giai đoạn 2022-2025
Hội nghị Bàn tròn OECD năm nay tập trung thảo luận về những phát triển gần đây về thực trạng Quản trị công ty ở Việt Nam và trong khu vực châu Á. Chương trình cũng tập trung vào các vấn đề chính để tiến hành rà soát các Nguyên tắc Quản trị công ty của G20/OECD, bao gồm tính bền vững trong khu vực doanh nghiệp, số hóa và thị trường nợ ở châu Á.
Các Nguyên tắc G20/OECD là tiêu chuẩn quốc tế về quản trị công ty và giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá và cải thiện khuôn khổ pháp lý, quy định và thể chế cho quản trị công ty. Hội nghị bàn tròn sẽ là cơ hội để thu thập quan điểm và góc nhìn từ các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý cũng như các bên liên quan khác trong khu vực về các đề xuất sửa đổi Nguyên tắc G20/OECD.
Theo Thứ trưởng Tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam đang từng bước phát triển để trở thành một kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Sau hơn 25 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế với quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán giai đoạn 2016-2021 tăng trưởng bình quân 28,5%/năm. Trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP, góp phần cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn.
Trong bối cảnh phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, sạch hơn và công bằng hơn, Quản trị công ty tốt đóng vai trò thiết yếu quyết định cho sự năng động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trên diện rộng, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản lý rủi ro môi trường, xã hội và quản trị (ESG), khai thác tốt hơn những đóng góp quan trọng của các cổ đông, chủ nợ, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp hoặc cộng đồng, vì sự thành công lâu dài của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại Hội nghị bàn tròn OECD-châu Á 2022. |
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của Quản trị công ty tốt đối với nền kinh tế nói chung và sự phát triển, ổn định hiệu quả của thị trường chứng khoán, ngay từ khi thành lập thị trường, Bộ Tài chính đã có rất nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền phổ biến kiến thức, xây dựng khung pháp lý tạo nền tảng cho việc tiếp thu và áp dụng các thông lệ tốt về Quản trị công ty tại Việt Nam. Đặc biệt là việc áp dụng các nguyên tắc tốt nhất về Quản trị công ty theo các tiêu chuẩn của OECD cho công ty niêm yết.
Ngoài ra, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Bộ nguyên tắc Quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất vào năm 2019, đây là bộ tài liệu cung cấp các hướng dẫn và khuyến khích về thông lệ tốt nhất trong Quản trị công ty dành cho các công ty đại chúng. Bên cạnh các thông lệ tốt nhất mà các công ty đã và đang áp dụng theo quy định hiện hành, Bộ Nguyên tắc này cũng khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các chuẩn mực cao hơn yêu cầu tối thiểu theo quy định pháp luật.
Vượt qua nhiều khó khăn gây ra bởi dịch bệnh Covid-19, năm 2020-2021 ghi nhận sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, những nỗ lực đáng ghi nhận của doanh nghiệp niêm yết trong việc duy trì và thực hiện các công tác quản trị, kiểm soát rủi ro để có thể thích ứng.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, cùng với việc củng cố khung pháp lý và các chính sách liên quan đến Quản trị công ty, Bộ Tài chính cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo về Quản trị công ty cho các công ty đại chúng, tổ chức hàng trăm khóa học về quản trị công ty cho đại diện của các công ty đại chúng và niêm yết nhằm mục đích nâng cao nhận thức và năng lực về quản trị công ty cho các doanh nghiệp. Vượt qua nhiều khó khăn gây ra bởi dịch bệnh Covid-19, năm 2020-2021 ghi nhận sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, những nỗ lực đáng ghi nhận của doanh nghiệp niêm yết trong việc duy trì và thực hiện các công tác quản trị, kiểm soát rủi ro để có thể thích ứng.
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực Quản trị công ty, tuy nhiên cần thực thi những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nền tảng Quản trị công ty cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài một hệ thống pháp luật đầy đủ hình thành một nền tảng quản trị công ty tốt và hiệu quả, bản thân từng doanh nghiệp, từng thành viên Hội đồng quản trị và từng thành viên thị trường phải có đầy đủ kinh nghiệm, trình độ, đạo đức nghề nghiệp và ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của quản trị công ty đối với từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Các báo cáo đánh giá việc thực thi Quản trị công ty đều cho thấy vai trò lãnh đạo của Hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp đại chúng là rất quan trọng, đòi hỏi một tầm nhìn hướng đến và cam kết cho một khuôn khổ, cơ chế bảo đảm quản trị tốt, minh bạch thông tin và tôn trọng quyền lợi cổ đông và các bên liên quan.
"Các cải thiện quản trị quan trọng cần được thực thi nằm ở khía cạnh cấu trúc quyền lợi và trách nhiệm trong Quản trị công ty, sự minh bạch trong phân công trách nhiệm trong các thành viên Hội đồng quản trị, nâng cao vai trò kiểm toán nội bộ, công bố và minh bạch thông tin, nâng cao các thực hành bảo vệ quyền lợi cổ đông và các bên liên quan. Việc cải thiện Quản trị công ty của các công ty đại chúng luôn đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên khác nhau, của các cơ quan quản lý, các tổ chức hành động vì thị trường minh bạch và của chính những người tham gia thị trường, các cổ đông" - Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi nêu ý kiến.
Phó Tổng thư ký OECD Yoshiki Takeuchi phát biểu tại Hội nghị. |
Tại hội nghị, Phó Tổng Thư ký OECD, ông Yoshiki Takeuchi cho biết, Nguyên tắc Quản trị công ty của G20/OECD đã nhiều quốc gia, tổ chức, các công ty trên toàn cầu sử dụng, tuy nhiên cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình áp dụng nguyên tắc tại khu vực châu Á. Vì vậy, Hội nghị Bàn tròn lần này sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng để lắng nghe quan điểm của cơ quan quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp nhằm rà soát, sửa đổi các nguyên tắc về Quản trị công ty - vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của các thị trường chứng khoán của từng quốc gia.
Trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp cận được với các nguồn vốn của nhà đầu tư trên toàn thế giới là rất quan trọng; do vậy, việc thúc đẩy Quản trị công ty sẽ giúp các quốc gia đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp, tăng năng suất lao động và hiệu quả của nền kinh tế. Bên cạnh tính bền vững và tính chống chịu của thị trường được cải thiện, khi có Quản trị công ty tốt thì nhà đầu tư cũng sẽ được bảo vệ tốt hơn và ngược lại khi nhà đầu tư an tâm thì họ sẽ đầu tư vốn nhiều hơn.
“Qua đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta đã thấy được vai trò quan trọng của vấn đề Quản trị công ty, mà điển hình là quản trị rủi ro. Doanh nghiệp có Quản trị công ty tốt thì sẽ có sức chịu đựng tốt hơn, ít chịu tác động hơn và vẫn bảo đảm được quyền lợi cho cổ đông của mình” – ông Yoshiki Takeuchi nhấn mạnh.