Trong cuộc Họp báo thông tin tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2023, Cục Thống kê tỉnh Thái Bình đã phân tích, làm rõ những khó khăn đặt ra hiện nay trong công tác thu ngân sách nội địa trên địa bàn tỉnh.
Ngoài kết quả khá ấn tượng đạt được trong 6 tháng qua như: kinh tế tăng trưởng 7,77% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng hơn 13%; thương mại, dịch vụ tăng 17,4%; hoạt động vận tải tăng hơn 15%; vốn đầu tư từ nguồn Ngân sách tăng hơn 30% so cùng kỳ năm 2022…, thì việc thu ngân sách nội địa của tỉnh Thái Bình đang giảm mạnh.
Cụ thể, thu ngân sách nội địa tính đến ngày 28/6 chỉ đạt khoảng 3.375 tỷ đồng, giảm tới 30,1%; thu thuế xuất nhập khẩu cũng chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng, giảm 44,4% so cùng kỳ 2022.
Phóng viên Báo Nhân Dân đặt câu hỏi tại buổi họp báo. |
Trả lời câu hỏi của Báo Nhân Dân chung quanh vấn đề này, ông Tăng Bá Phúc, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Bình cho biết, nguyên nhân thu ngân sách nội địa sụt giảm là do nguồn thu từ xăng, dầu giảm mạnh (thuế xuất, nhập khẩu và thuế môi trường).
Ngoài ra, xuất khẩu của các ngành hàng, nhất là ngành may cũng giảm; thuế VAT cũng suy giảm do doanh thu hàng hóa có mức tăng trưởng không cao như kỳ vọng.
Ông Tăng Bá Phúc, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Bình trả lời câu hỏi của phóng viên. |
Ông Phúc cũng dự báo trong các tháng còn lại của năm nay, việc thu ngân sách nội địa còn nhiều khó khăn. Các dự án vào trong khu, cụm công nghiệp mới thì tỉnh có chính sách miễn giảm thuế 5 năm, vì vậy trông chờ vào nguồn thu của các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động là rất hạn chế.
Về nguyên nhân khách quan, ông Phúc cho hay, lúc lập dự toán (tháng 7/2022) với Bộ Tài chính trên cơ sở giá, sản lượng xăng dầu, thuế môi trường như năm 2022. Nhưng do chính sách thay đổi nên bị hụt, tỉnh đã có văn bản đề nghị Trung ương có nguồn cấp bù hỗ trợ phần hụt thu.
Riêng với Công ty trách nhiệm hữu hạn vận tải Thủy bộ Hải Hà (doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu) nợ thuế cộng dồn từ nhiều năm (gần 1.800 tỷ đồng) vừa bị Cục Thuế tỉnh Thái Bình cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế để nộp vào ngân sách nhà nước.
Các đại biểu tham dự buổi Họp báo. |
Tại cuộc Họp báo, Cục Thống kê tỉnh Thái Bình cho biết thêm, kết quả điều tra hoạt động của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2023 cho thấy, có 20,1% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến trong quý III, có 14,5% số doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, tính đến ngày 26/6, tỉnh Thái Bình có 369 doanh nghiệp xác nhận đăng ký tạm ngừng hoạt động. Có 71 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do doanh nghiệp giải thể.