Cùng suy ngẫm:

Hướng tới mục tiêu cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn

Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tổ chức công đoàn.
0:00 / 0:00
0:00
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)

Nhiệm vụ nêu trên càng trở nên cấp thiết, mang tính sống còn của tổ chức công đoàn khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phê chuẩn Công ước 87, Công ước 98 của tổ chức lao động quốc tế (ILO) về tự do thành lập, tự do thương lượng về các vấn đề liên quan đến lao động và những thay đổi trong Bộ luật Lao động năm 2019, cho phép người lao động thành lập các tổ chức đại diện người lao động khác tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp.

Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 đề ra mục tiêu cả nước sẽ có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% các doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên. Cả nước hiện có 11 triệu đoàn viên công đoàn, như vậy, để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong 5 năm tới, các cấp công đoàn phải phát triển thêm bốn triệu đoàn viên. Đây là một nhiệm vụ khá khó khăn, bởi với tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi khá chậm như hiện nay, việc bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động không dễ dàng.

Một khi doanh nghiệp gặp khó, đồng nghĩa với việc hoạt động của công đoàn cơ sở, đoàn viên, người lao động sẽ bị tác động và ảnh hưởng theo. Bên cạnh đó, thị trường việc làm của người lao động trong thời gian tới tiếp tục khó khăn do các doanh nghiệp vẫn gặp khó trong ký kết các đơn hàng, khiến việc làm của người lao động bị giãn, giảm, thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động. Các chuyên gia lao động, công đoàn cũng dự báo, nhiều khả năng sẽ có làn sóng dịch chuyển lao động từ khu vực lao động chính thức sang phi chính thức, khiến mục tiêu tăng tỷ lệ tập hợp người lao động gia nhập tổ chức công đoàn khó đạt kế hoạch đề ra.

Phải đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, hoàn thành mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động tham gia; tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Đứng trước những khó khăn nêu trên, một trong ba đột phá được đề ra tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đó là: tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Đại hội đã đề ra năm chương trình, trong đó có Nghị quyết đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đến năm 2028, tầm nhìn đến năm 2033.

Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra là, phải đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, hoàn thành mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động tham gia; tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Muốn vậy, điều cốt yếu cần phải củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở, bởi đây là cầu nối quan trọng, sợi dây gắn kết giữa người lao động với người sử dụng lao động. Một khi vai trò của công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp được phát huy hiệu quả, quyền lợi, phúc lợi của người lao động được chăm lo tốt hơn sẽ thúc đẩy phong trào sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp, đời sống, việc làm của người lao động ổn định, bền vững hơn.

Một trong những yếu tố quan trọng là nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn ở mỗi cấp, nhất là đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở, bởi họ có vai trò quyết định đối với việc triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động của tổ chức. Để đáp ứng công tác chỉ đạo hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới, đòi hỏi xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, có tầm nhìn, uy tín và phương pháp công tác tốt, nắm chắc luật pháp, am hiểu về công tác công đoàn mới có thể mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động. Công tác cán bộ công đoàn cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, có sự phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn cấp trên với cấp ủy trong công tác cán bộ công đoàn.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, mang lại nhiều thời cơ cho tổ chức công đoàn trong đổi mới, tăng cường công tác vận động trong tình hình mới. Vì vậy, cán bộ công đoàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các hình thức trực tiếp, trực tuyến, để người lao động hiểu biết về tổ chức công đoàn, thấy được sự gần gũi cũng như quyền và lợi ích thiết thực khi tham gia tổ chức. Cần đổi mới sinh hoạt công đoàn phù hợp điều kiện sản xuất, công tác của đoàn viên, sử dụng hiệu quả các ứng dụng của Internet trong sinh hoạt công đoàn; đơn giản hóa các thủ tục để người lao động gia nhập tổ chức thuận tiện; xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên và các hình thức phù hợp khác nhằm tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.