Theo đó, trong tháng 8, tỉnh đã thực hiện cấp mới 6 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 108,5 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 1 dự án với tổng vốn đăng ký tăng thêm 9,21 triệu USD; lũy kế 8 tháng đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 41 dự án, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1.874,45 triệu USD, đạt 93,7% kế hoạch năm 2024 (2 tỷ USD), tăng gấp 3,35 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với đầu tư trong nước, trong tháng 8 có 1 dự án cấp mới với vốn đăng ký 215 tỷ đồng; điều chỉnh 3 dự án với vốn đăng ký tăng thêm đạt 150,26 tỷ đồng; giảm vốn 1 dự án với số vốn giảm 16,28 tỷ đồng; lũy kế 8 tháng đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho cho 21 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 27.751 tỷ đồng, đạt 134,4% so với kế hoạch, tăng gấp 2,98 lần so với cùng kỳ.
Như vậy, tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước cấp mới và tăng thêm trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt 1.874,45 triệu USD và 27.751,1 tỷ đồng (tương đương 74.612,4 tỷ đồng, đạt 108,7% so với kế hoạch năm 2024), tăng gấp khoảng 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Có thể kể đến 1 số dự án FDI đầu tư mới như Dự án thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE Bắc Kinh với vốn đăng ký 277,47 triệu USD; Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam với vốn đăng ký 250 triệu USD; Nhà máy sản xuất sản phẩm sinh học BIO-BDO với vốn đăng ký 730 triệu USD; Dự án TVP tại khu công nghiệp Phú Mỹ 3 với vốn đăng ký 176,14 triệu USD; Dự án điện tử Quanyi Việt Nam với vốn đăng ký 4,1 triệu USD; Nhà máy sản xuất thức ăn cho vật nuôi với vốn đăng ký 4,05 triệu USD.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 482 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 33.415,7 triệu USD (trong khu công nghiệp 308 dự án và 174 dự án ngoài khu công nghiệp) và 696 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 399.669,6 tỷ đồng (290 dự án trong khu công nghiệp; 406 dự án ngoài khu công nghiệp).
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Linh, nhằm thu hút các dự án trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang triển khai thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024, chương trình phát triển công nghiệp, chương trình xúc tiến thương mại và thành lập Tổ công tác và Tổ giúp việc Tổ công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin, thúc đẩy thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư những dự án kêu gọi giai đoạn 2021-2030.
“Hiện Tỉnh đang tiếp tục triển khai các giải pháp thu hút đầu tư 4 tháng cuối năm 2024 và xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư năm 2025. Tập trung triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; xử lý, triển khai các lộ trình thực hiện việc xử lý các dự án chậm triển khai trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt của tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin và thúc đẩy thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu cho biết thêm.
Đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành, địa phương nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tiếp tục thay đổi lề lối làm việc, đưa ra giải pháp rõ ràng, thực chất để khơi thông nguồn lực, khai thác hiệu quả không gian kinh tế, tài nguyên để thu hút nhà đầu tư. Quy hoạch tỉnh vừa được phê duyệt là kim chỉ nam để Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các định hướng phát triển chiến lược trong thời gian tới.
Trong quy hoạch này, tỉnh xác định rõ 4 vùng chức năng, 3 trục kinh tế động lực nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, từ đó tập trung đầu tư và thu hút đầu tư 4 trụ cột kinh tế là công nghiệp, cảng biển và logistics, du lịch, dịch vụ chất lượng cao.
Đến năm 2030, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có 24 khu công nghiệp với diện tích 16.052ha. Cùng với đó, dọc cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường Vành đai 4, Thành phố Hồ Chí Minh hình thành trục kinh tế động lực công nghiệp-logistics; phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp-dịch vụ-đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ; hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, đô thị dịch vụ mới tại Cù Bị và Suối Nghệ (Châu Đức); khu logistics dọc Vành đai 4; các trung tâm logistics cấp tỉnh tại huyện Châu Đức. Phấn đấu đến năm 2030 phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành: Trung tâm kinh tế biển; trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; và là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của vùng Đông Nam Bộ.
Sản xuất trụ điện gió trong tương lai. |
Quy hoạch phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chính phủ phê duyệt ngày 16/12/2023, xác định mục tiêu đến năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với GRDP bình quân đầu người từ 18.000 đến 18.500 USD. Đến năm 2050 đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) theo cam kết của Chính phủ tại Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu COP26.