Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) Nguyễn Bội Quỳnh cho biết: Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát động phong trào, nhà trường đã cử 32 giáo viên đến hai trường để chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm dạy học.
Nhà trường có đội ngũ giáo viên có năng lực, thuận lợi trong việc nghiên cứu, tìm tòi tài liệu dạy học nhưng nếu chỉ áp dụng tại chỗ sẽ rất lãng phí. Vì vậy, đây là cơ hội để giáo viên được đem kiến thức của mình dạy các đối tượng học sinh khác nhau. Các bài giảng cũng được giáo viên thiết kế lại phù hợp học sinh, từ tốc độ dạy đến cách truyền đạt. Sau mỗi giờ dạy, giáo viên hai trường ngồi lại để cùng nhau trao đổi, chia sẻ phương pháp cũng như đúc rút kinh nghiệm.
Là một trong những giáo viên được đưa về dạy mẫu ở các Trường trung học phổ thông Tự Lập (huyện Mê Linh), Trường trung học phổ thông Trung Giã (huyện Sóc Sơn), cô giáo Nguyễn Nguyệt Nga, giáo viên môn Ngữ văn, Trường trung học phổ thông Việt Đức chia sẻ: Khi về trường, tổ chuyên môn của hai trường thống nhất sẽ chọn lớp có nhiều học sinh có học lực yếu, trung bình và chọn tác phẩm “Rừng xà nu” nhiều năm nay không đưa vào sử dụng cho ngữ liệu thi tốt nghiệp trung học phổ thông để giáo viên dạy mẫu.
Do điều kiện cơ sở vật chất của hai trường chưa đầy đủ nên thay vì sử dụng thiết bị hỗ trợ, cô Nga đã triển khai phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm, phát phiếu hệ thống câu hỏi nhằm giúp học sinh phát triển năng lực tự học, kích thích sự sáng tạo, chủ động và tích cực trong học tập. Theo cô Nga, để có một giờ học hấp dẫn đòi hỏi giáo viên phải có cách tiếp cận nội dung phong phú, có chiều sâu kiến thức, linh hoạt trong phương pháp giảng dạy để dẫn dắt học sinh tiếp cận nội dung, kiến thức. Nhờ đó mà giờ học rất sôi nổi, học sinh hào hứng tranh luận với giáo viên.
Tại Trường trung học phổ thông Tân Lập, huyện Đan Phượng, thầy giáo Lý Đức Kim, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đặc thù của nhà trường là học sinh học tập tại trường đến từ gần 40 trường trung học cơ sở khác nhau trên địa bàn huyện Đan Phượng, huyện Hoài Đức, quận Bắc Từ Liêm và các vùng phụ cận. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho công tác quản lý, giáo dục học sinh của nhà trường. Việc triển khai một số nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như hoạt động trải nghiệm và giảng dạy mới, công nghệ mới, hiện đại còn gặp khó khăn.
Vì vậy, Ban Giám hiệu Trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) và nhà trường đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhau phát triển trong giai đoạn 2022-2025. Trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng cử giáo viên về trường tổ chức các giờ dạy. Các buổi dự giờ và sinh hoạt chuyên môn không chỉ giúp giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn cho bản thân mà còn tạo điều kiện để giáo viên cùng trao đổi, hỗ trợ nhau trong công tác; bổ sung những kiến thức, kỹ năng giảng dạy và quản lý học sinh.
Đặc biệt, các cán bộ, giáo viên đã tập trung trao đổi kinh nghiệm việc nâng cao chất lượng giáo dục trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chỉ ra vấn đề khó, còn vướng để cùng tìm ra giải pháp. Trên hết, học sinh được giao lưu, trở nên tự tin, năng động hơn.
Không chỉ tổ chức các tiết dạy chuyên đề ở tất cả các bộ môn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) còn tổ chức chương trình giao lưu đội tuyển học sinh giỏi khối 6, 7, 8 với Trường trung học cơ sở Nguyễn Thượng Hiền (huyện Ứng Hòa). Cô giáo Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Hoàng Mai cho biết: Hoạt động giao lưu không chỉ ở các giáo viên được giao lưu, học hỏi mà học sinh của hai trường cũng được chia sẻ về những kinh nghiệm học tập, các phương pháp học hiệu quả để có thể giúp nhau cùng tiến bộ và đạt được thành tích cao trong học tập.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển-Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025 đã nhận được sự hưởng ứng, vào cuộc nhiệt tình, hiệu quả tại tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Nhiều hoạt động, nhiều hình thức giao lưu, chia sẻ, hỗ trợ giữa phòng giáo dục với phòng giáo dục, giữa trường với trường đã diễn ra tạo thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Hiện nay, tất cả các đơn vị quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã kết nối, ký giao ước, xây dựng nội dung, kế hoạch và lộ trình thực hiện phong trào. Nhiều chuyên đề được chia sẻ tập trung chủ yếu vào những hoạt động hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, các chuyên đề về hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống cho trẻ mầm non; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Ngoài việc chia sẻ về chuyên môn, phương pháp giảng dạy, các trường học còn tìm hiểu, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý, sử dụng trang thiết bị, cơ sở vật chất; tổ chức kết nối thông qua các hoạt động tham quan di tích lịch sử... Việc cho học sinh các trường ngoại thành tham quan học tập ở các trường nội thành và ngược lại cũng được nhiều trường trung học phổ thông tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, các đơn vị tích cực hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó.
Để phong trào có sức lan tỏa và đạt hiệu quả tốt hơn, thời gian tới, ngành giáo dục Hà Nội cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động hỗ trợ trong dạy và học theo hình thức trực tuyến. Các cơ sở giáo dục phát huy tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, vận động cán bộ, giáo viên tổ chức các lớp học phụ đạo giúp đỡ học sinh yếu kém, có khó khăn trong học tập.