- Thưa ông, trước thực trạng nền kinh tế Việt Nam đang khát nguồn lao động chất lượng cao, Bộ tập trung vào giải pháp nào nhằm nâng cao năng lực đào tạo của hệ thống giáo dục đại học?
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực này. Trong đó, chính sách, pháp luật về tự chủ đại học đã tạo ra những đổi mới căn bản và toàn diện về phương thức quản lý nhà nước, tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, phát huy dân chủ cơ sở, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội. Các điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đại học được đầu tư phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chuẩn cơ sở Giáo dục đại học, là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học. Một trong các mục đích sử dụng Chuẩn này là đánh giá và giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành đã và đang được xây dựng cho từng trình độ và theo từng lĩnh vực hoặc theo một số nhóm ngành, làm cơ sở giám sát, đánh giá chất lượng đào tạo. Các chương trình đào tạo được đổi mới, phát triển đa dạng theo khung trình độ quốc gia và hội nhập quốc tế. Điều này góp phần cải thiện tình trạng các chỉ số chính của hệ thống về quy mô đào tạo, nguồn lực đầu tư công và tư, cơ sở vật chất và công nghệ hiện còn thấp.
- Ông nhìn nhận thế nào về sự chuyển động của các cơ sở giáo dục đại học để có thể đón đầu các xu thế tuyển dụng, thưa ông?
- Về nội dung chuyển đổi số, rất nhiều cơ sở đào tạo đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, người học được tiếp cận với các phương pháp học tập mới để luôn tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực.
Trên thực tế, các cơ sở giáo dục đại học đã tích cực, chủ động đổi mới từng bước nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng ứng dụng và thực hành, chú trọng đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội; quan tâm hơn đến phát triển năng lực ngoại ngữ, các kỹ năng mềm, hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên phát triển năng khiếu và tính sáng tạo; tăng thực hành, thực nghiệp, gắn đào tạo kết hợp với doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo sinh viên trở thành những công dân năng động, sáng tạo, có nhân cách, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội, từng bước tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới.
Nhiều cơ sở đào tạo đã phát triển chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế và các chương trình liên kết quốc tế để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với thị trường lao động và hội nhập quốc tế; đầu tư chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin, thư viện điện tử; xây dựng hệ thống học liệu phong phú, đa dạng nhằm hỗ trợ công tác dạy-học và quản lý giáo dục. Đặc biệt sau giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, các cơ sở giáo dục đại học đã tăng cường thực hiện việc ứng dụng công nghệ trong dạy học; đây là bước ngoặt lớn thúc đẩy việc phát triển và chuyển đổi số trong giáo dục đại học.
Thời gian qua, các cơ sở giáo dục đại học chủ động phát triển, đa dạng hóa chương trình đào tạo đối với tất cả các lĩnh vực ngành nghề khác nhau, bảo đảm những yêu cầu chung tối thiểu của chuẩn chương trình đào tạo, phù hợp các chuẩn mực giáo dục đại học của khu vực và thế giới.
Việc phát triển chương trình đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học đã có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động. Cùng đó, tất cả chương trình đào tạo, bao gồm cả mục tiêu và chuẩn đầu ra, được công khai cho thí sinh, người học và xã hội theo quy định. Đây chính là những thông tin quan trọng (bên ngoài) giúp người học căn cứ vào sở thích, năng lực cá nhân (yếu tố bên trong) để định hướng nghề nghiệp cho mình.
- Xét về dài hạn, ông có thể thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chính sách, quy hoạch nào cho đào tạo các ngành nghề, lĩnh vực xã hội đang cần?
- Bộ đang khẩn trương triển khai xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng thiết lập một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ nhu cầu học tập suốt đời; đáp ứng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao, tăng cường ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước; bảo đảm đầu tư công bằng, khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả, đồng thời là cơ sở huy động nguồn lực xã hội phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, khuyến khích và ưu tiên đầu tư tập trung vào các trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đối với một số ngành trọng điểm để hướng đến đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Một nhiệm vụ rất quan trọng khác mà ngành giáo dục đang đẩy mạnh là đào tạo, bồi dưỡng và phát triển người thầy, đặc biệt trong bối cảnh một số ngành, lĩnh vực mới, đang còn tình trạng thiếu giáo viên, giảng viên giỏi. Mục tiêu, mong muốn là vậy, song trên thực tế triển khai còn gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhưng buộc chúng ta - toàn hệ thống chính trị phải vượt qua.
- Trân trọng cảm ơn ông!