Thông tin về nhà đất của chùa Diệu Nam, ở số 60 phố Đại La, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội

NDO - Văn bản trả lời số 1132/TGCP-CĐ ngày 4/7/2023 của Ban Tôn giáo Chính phủ, nội dung chính như sau:
0:00 / 0:00
0:00
Thông tin về nhà đất của chùa Diệu Nam, ở số 60 phố Đại La, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội

Ban Tôn giáo Chính phủ nhận được văn bản của Báo Nhân Dân chuyển đơn thư của bà Phạm Thị Là (pháp danh Ngọc Bảo), địa chỉ tại 60 Đại La, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội đề nghị về việc xây dựng lại cơ sở tôn giáo. Qua nghiên cứu hồ sơ, Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin như sau:

Qua công tác quản lý nhà nước và thực trạng tình hình hoạt động của cơ sở tôn giáo tại 60 Đại La, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, đối chiếu các quy định của pháp luật có liên quan, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có công văn số 2073/TGCP - PCTT ngày 20/12/2022 hướng dẫn Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ thành phố Hà Nội xác định chủ phương án và đại diện theo pháp luật của phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng đường vành đai 2 đối với cơ sở tôn giáo tại 60 Đại La, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Theo đó, cơ sở tôn giáo Diệu Nam Phật đường (chùa Diệu Nam) được xây dựng từ năm 1930 do các cụ Mai Thị Tất, Nguyễn Thị An (Yên), Ngô Thị Toàn, Sầm Thị Vượng và Đỗ Thị Tỉnh chung tiền mua đất xây dựng cơ sở để tu hành theo Minh Sư Đạo. Trong thời gian tu hành, các cụ có nhận 5 đệ tử là các bà: Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Vi, Đinh Thị Bằng, Hoàng Thị Yên và Trịnh Thị Lương cùng tu tập.

Năm 1992, một số vị đệ tử đã kiện ra toà đòi phân chia đất chùa Diệu Nam, nên Toà án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã có Bản án dân sự sơ thẩm số 21/DSST ngày 08/5/1992 và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã có Bản án dân sự phúc thẩm số 151/PTDS ngày 7/8/1992 giữa nguyên đơn và cụ Nguyễn Thị Hương và bị đơn là cụ Trịnh Thị Lương.

Ngày 31/5/2020, Ủy ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã có Quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT xét xử vụ án về “tranh chấp quyền thừa kế chùa” đã tuyên: “Hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 151/PTDS ngày 7/8/1992 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và hủy toàn hộ Bản án dân sự sơ thẩm số 21/DSST ngày 8/5/1992 của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng giữa nguyên đơn là cụ Nguyễn Thị Hương và bị đơn là cụ Trịnh Thị Lương. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật”.

Trên cơ sở Quyết định số 20/2020/DS-TT nêu trên, ngày 1/2/2021, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 03/2021/DSST đình chỉ giải quyết vụ án dân sự tranh chấp quyền thừa kế chùa do: “Căn cứ vào tài liệu kèm theo công văn số 396/TTCNTT-TTLT ngày 3/12/2018 của Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên môi trường Hà Nội về nguồn gốc đất chùa Diệu Nam; công văn số 460/TTCNTT-TTLT ngày 21/12/2020 của Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên môi trường Hà Nội về nguồn gốc đất chùa Diệu Nam thì từ năm 1960, người sử dụng đất trong trường hợp này là chùa Diệu Nam (cơ sở tôn giáo). Vì vậy, những người tu hành trên đất cơ sở tôn giáo không phải là người sử dụng đất, nên không có quyền khởi kiện tranh chấp chia thừa kế đất cơ sở tôn giáo”.

Theo quy định tại Hiến chương của Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo đã được Nhà nước chấp thuận, Phật đường hay chùa là tổ chức tôn giáo trực thuộc của Giáo hội, do Ban Trị sự Trung ương chịu trách nhiệm quản lý (Điều 24, điều 32 của Hiến chương).

Sau khi Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo được Nhà nước công nhận (Quyết định số 196/QĐ-TGCP ngày 1/10/2008 của Ban Tôn giáo Chính phủ), Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo có văn bản đề nghị với các ngành chức năng của thành phố Hà Nội cho phép Đại hội để thành lập Ban Trị sự Diệu Nam Phật đường từ năm 2011.

Tuy nhiên, do những tranh chấp về quyền thừa kế nên việc thành lập Ban Trị sự Diệu Nam Phật đường (tổ chức tôn giáo trực thuộc) đến nay chưa thể thực hiện.

Ban Tôn giáo Chính phủ đã trao đổi, hướng dẫn Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ thành phố Hà Nội để phối hợp, tham mưu với UBND thành phố giải quyết theo thẩm quyền và đúng theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở các quy định về đất đai, tín ngưỡng tôn giáo, nhất là căn cứ vào Quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT ngày 31/5/2020 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Quyết định số 03/2021/DSST ngày 1/2/2021 của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội nêu trên, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội cần tiến hành xác định quyền sử dụng đất của chùa Diệu Nam thuộc Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo đối với phần còn lại sau khi Nhà nước thu hồi để hướng dẫn chùa Diệu Nam và Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo đăng ký quyền sử dụng đất, tiến tới việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Từ cơ sở đó, Giáo hội và chùa Diệu Nam gửi hồ sơ xin xây dựng đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xem xét, chấp thuận.