Chuyển từ cung cấp thuần túy sang chăm sóc khách hàng

"Ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao công tác chất lượng dịch vụ khách hàng và xây dựng các công trình trọng điểm về điện, qua đó, EVN SPC “Chuyển từ cung cấp điện thuần túy” sang “chăm sóc khách hàng sử dụng điện”, mang lại nhiều tiện ích cho người dùng" - ông Nguyễn Phước Đức, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) nhấn mạnh.

Tổng công ty Điện lực miền Nam luôn nỗ lực nâng cấp hạ tầng ngành điện.
Tổng công ty Điện lực miền Nam luôn nỗ lực nâng cấp hạ tầng ngành điện.

Tiện ích số

Vài năm trở lại đây, EVN SPC đã triển khai đồng bộ các giải pháp, ứng dụng công nghệ hỗ trợ thông tin cho khách hàng nhằm thực hiện nỗ lực số hóa dịch vụ điện. Sự thay đổi lớn của EVN SPC là đi từ cung cấp điện đơn thuần sang nâng cao chất lượng trải nghiệm dịch vụ điện và chăm sóc khách hàng.

Nỗ lực chuyển đổi số của EVN SPC là xu thế tất yếu trong bối cảnh hướng tới xây dựng Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Qua đó, công tác dịch vụ của EVN SPC chuyển hướng chú trọng tăng tính tương tác tới khách hàng.

Các doanh nghiệp - vốn là đối tượng khách hàng có sự chủ động rất cao. Không còn nỗi lo mất thời gian, công sức cho các yêu cầu dịch vụ điện.

Không chỉ nỗ lực nâng cao chất lượng trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng, EVN SPC còn mang đến những tiện ích về tra cứu, thanh toán điện tử trong bối cảnh xây dựng xã hội số hóa.

Thay vì phải đến trụ sở Điện lực, giờ đây, khách hàng đã có thể thực hiện mọi thao tác, yêu cầu về dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi bằng cách truy cập trang web Chăm sóc khách hàng của EVN SPC, hoặc cài ứng dụng Chăm sóc khách hàng EVN SPC để gửi yêu cầu dịch vụ cấp điện mới, dịch vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng, các dịch vụ hỗ trợ…  

Đầu năm 2021, anh Nguyễn Văn Quyền, chủ cơ sở sản xuất bánh ngọt tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước có nhu cầu thay đổi công suất sử dụng điện, nâng cấp từ điện một pha lên điện ba pha để vận hành thiết bị sản xuất.

Thay vì đến Công ty điện lực, anh Quyền truy cập App chăm sóc khách hàng của EVN SPC và thực hiện thao tác trực tuyến. Chỉ trong một thời gian ngắn, anh Quyền đã hoàn thành đăng ký chuyển đổi nâng điện từ một pha lên ba pha.

Sử dụng một dịch vụ điện khác của ứng dụng chăm sóc khách hàng là thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện, chủ động thanh toán tiền điện, anh Nguyễn Hữu Bình sống tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cũng chỉ cần thực hiện một vài thao tác đơn giản trên chiếc điện thoại thông minh. 

Hiện tại, người dân tại 21 tỉnh, thành phố phía nam từ Ninh Thuận đến Cà Mau có thể thanh toán tiền điện online bằng các phương thức đa dạng, linh hoạt.

Khách hàng của  EVN SPC có thể thanh toán qua qua ba hình thức thanh toán tiền điện online thông dụng nhất, gồm: Trích nợ tự động từ tài khoản, Qua internet banking, và qua ví điện tử.

Những hình thức thanh toán này vừa không mất thời gian, lại rất thuận tiện. Tính đến nay, tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt của EVN SPC đã đạt  77%. 

Ông Nguyễn Phước Đức, Tổng giám đốc EVN SPC chia sẻ: “Lợi ích xã hội của việc thanh toán tiền điện trực tuyến là rất lớn. Đối với ngành Điện, sẽ tăng năng suất lao động, giảm rủi ro quá trình thu tiền điện. Đối với người dân: Chủ động việc chuẩn bị và thanh toán tiền điện, giảm rủi ro trong thanh toán”.

Chuyển từ cung cấp thuần tuý sang chăm sóc khách hàng -0
 Lễ ký kết hợp tác chuyển đổi số giữa Tổng Công ty Điện lực miền Nam và tập đoàn FPT.

Đẩy nhanh chuyển đổi số

Để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, ngày 25/5/2021, EVN SPC và Tập đoàn FPT đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về lĩnh vực chuyển đổi số trong hệ thống Quản trị, Kinh doanh điện năng và Quản lý vận hành, hiện thực hoá mục tiêu EVN SPC sẽ trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025. 

EVN SPC sẽ cùng FPT tiến hành số hoá và chuyển đổi số các quy trình quản lý vận hành kinh doanh phân phối điện năng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý và kinh doanh phân phối điện, giảm thiểu chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty.

FPT sẽ đề xuất một số trọng tâm chuyển đổi số có thể thực hiện ngay tại EVN SPC.

Cụ thể, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để đổi mới, cải tiến quy trình quản lý và vận hành hệ thống điện.

Thiết kế trải nghiệm nhằm thu hút ngày càng nhiều khách hàng tương tác trên các kênh kỹ thuật số, tăng cường phân tích để thấu hiểu khách hàng.

Cải tiến quy trình, tối ưu hóa hoạt động quản trị doanh nghiệp, tăng cường quản trị và ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Xây dựng một hệ sinh thái số mạnh mẽ, linh hoạt, tăng cường tối đa các dịch vụ, dữ liệu dùng chung, tăng cường an ninh bảo mật… 

Tổng công ty điện lực miền Nam cũng đang nỗ lực nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng ngành điện bằng các công trình điện trọng điểm.

Trong đó, đang xây dựng công trình điện trọng điểm trên thành phố biển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc có chiều dài đường dây vượt biển trên không là 80,4 km nối từ bờ Kiên Lương vượt biển sang bờ Phú Quốc với 169 cột trụ (117 móng trụ nằm trên biển).