Thông tin mới

Lâm Đồng xây dựng 2.324 căn nhà cho hộ nghèo
0:00 / 0:00
0:00
Bàn giao nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo tại huyện Bảo Lâm.
Bàn giao nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo tại huyện Bảo Lâm.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2019 đến nay, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” các cấp tại địa phương, đã xây dựng 2.324 căn nhà, sửa chữa 651 căn nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, với tổng trị giá hơn 90,6 tỷ đồng.

Hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 3,16%, tương ứng với 11.345 hộ (gồm 3.912 hộ nghèo, 7.433 hộ cận nghèo); trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 8,75% trong số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh, tương ứng với 7.125 hộ. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 2.826 hộ có chỉ số thiếu hụt về chất lượng nhà ở, có nhà ở không bền chắc. Địa phương kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia đóng góp ủng hộ kinh phí để tập trung “xóa nhà tạm, nhà dột nát”, giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống.

Đắk Nông phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế từ 92,75% trở lên

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông, năm 2024, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để xây dựng chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT của tỉnh đạt từ 92,75% trở lên; đồng thời, tập trung giải quyết chế độ BHXH cho người lao động kịp thời, minh bạch, đúng, đủ quyền lợi; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Năm 2023, tỉnh Đắk Nông có 50.695 người tham gia BHXH, đạt 101,7% kế hoạch, tăng 10,5% so với năm 2022; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,75% dân số toàn tỉnh; tổng số thu hơn 1.225 tỷ đồng, đạt 101,6% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng 9,8% so với năm 2022.

Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ 3

Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ 3 vừa được tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku, với sự tham gia của gần 800 nghệ nhân các dân tộc Ba Na, Gia Rai, Tày, Mường, H’Mông, Nùng, Thái, Kinh... với nhiều hoạt động đặc sắc, tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng, như đan lát, kéo sợi, dệt vải, tạc tượng, trình diễn cồng chiêng, dân ca, dân vũ, hát chèo, nhảy sạp… và trưng bày cổ vật về văn hóa Tây Nguyên.

Tại ngày hội, các đoàn còn mang đến những đặc sản, ẩm thực đặc trưng, tiêu biểu của địa phương để giới thiệu, quảng bá đến người dân và du khách, cùng nhiều hoạt động khác, như thi giã gạo, nhảy bao bố; trình diễn đi cà kheo nghệ thuật, trang phục các dân tộc, kỹ thuật chỉnh chiêng; tái hiện các nghi lễ mừng thọ, lễ mừng lúa mới, lễ cúng giọt nước, lễ cúng nhà mới, lễ cưới…Ngày hội là sự kiện hằng năm do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị đặc sắc của văn hóa các dân tộc; tạo cơ hội để người dân gặp gỡ, thắt chặt tinh thần đoàn kết và giao lưu, học hỏi kinh nghiệm bảo tồn.

Thông tin mới ảnh 1

Nhiều hoạt động sôi nổi thu hút người xem tại Ngày hội.

Đắk Lắk có thêm 17 sản phẩm OCOP được xếp hạng

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức hội nghị đánh giá, chấm điểm, phân hạng những sản phẩm đạt OCOP đợt I năm 2024. Đợt này, hội đồng đã đánh giá, chấm điểm 22 sản phẩm của 11 chủ thể ở 6 địa phương, gồm các huyện: Cư M'gar, Ea Kar, Cư Kuin, Ea H’leo, Krông Năng và thành phố Buôn Ma Thuột.

Kết quả, 17 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 15 sản phẩm được công nhận đạt 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao (cà-phê chồn Kiên Cường của Công ty TNHH một thành viên Kiên Cường, thành phố Buôn Ma Thuột; hạt mắc-ca Đắk Lắk cao cấp của Công ty cổ phần Damaca Nguyên Phương, huyện Krông Năng). Theo đánh giá, qua hơn 6 năm triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 237 sản phẩm OCOP, tăng 152 sản phẩm so với năm 2022, gồm 223 sản phẩm 3 sao và 14 sản phẩm 4 sao. Năm 2024, Hội đồng OCOP cấp tỉnh sẽ đánh giá, phân hạng cho 44 bộ hồ sơ sản phẩm tiềm năng 4 sao do địa phương đề nghị.

Kon Tum phê duyệt vị trí việc làm của các cơ quan hành chính

Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã phê duyệt vị trí việc làm của 32 cơ quan, tổ chức hành chính trên địa bàn tỉnh (đạt 100%), gồm 19 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, 3 tổ chức hành chính khác và 10 Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh; đồng thời, phê duyệt vị trí việc làm của 102/102 xã, phường, thị trấn của tỉnh.

Đối với việc phê duyệt vị trí việc làm, bố trí biên chế công chức, số lượng người làm việc theo vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và các đơn vị đã phê duyệt vị trí việc làm của 431 đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm các đơn vị tự chủ); đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát danh mục vị trí việc làm, để tiếp tục điều chỉnh vị trí việc làm bảo đảm theo đúng danh mục vị trí việc làm, định mức số người làm việc theo đúng quy định để làm cơ sở cho việc xếp lương mới theo vị trí việc làm.