Thông tin mới

Đắk Lắk hỗ trợ về nhà ở cho 1.921 hộ nghèo và cận nghèo
0:00 / 0:00
0:00

Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk cho biết, thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg, ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt “Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của tỉnh”. Theo đó, trong năm 2023, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho 1.921 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của tỉnh; trong đó, tại huyện Ea Súp sẽ hỗ trợ 1.326 hộ, huyện M’Drắk hỗ trợ 595 hộ. Đến nay, công tác chuẩn bị về nguồn vốn đã bảo đảm để triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Đắk Lắk sẽ hỗ trợ về nhà ở cho 4.542 hộ nghèo và cận nghèo, với nhu cầu vốn là hơn 233 tỷ đồng, trong đó cơ cấu nguồn vốn hỗ trợ thực hiện bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Năm học 2023-2024, Kon Tum thiếu 836 giáo viên

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum thiếu 836 giáo viên. Trong đó, cấp mầm non thiếu 437 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 237 giáo viên, cấp trung học cơ sở thiếu 140 giáo viên và cấp trung học phổ thông thiếu 22 giáo viên.

Một số địa phương thiếu nhiều giáo viên, là thành phố Kon Tum thiếu 113 giáo viên, huyện Đăk Hà thiếu 104, huyện Đăk Glei thiếu 139 và huyện Đăk Tô thiếu 127 giáo viên... Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng 868 chỉ tiêu còn lại. Trong đó, dự kiến tuyển dụng 318 chỉ tiêu mầm non, 301 chỉ tiêu tiểu học, 189 chỉ tiêu trung học cơ sở, 25 chỉ tiêu trung học phổ thông và 35 chỉ tiêu giáo dục thường xuyên.

Thông tin mới ảnh 1

Cô và trò Trường tiểu học Cao Bá Quát, thành phố Kon Tum trong Lễ khai giảng năm học mới.

Gia Lai hỗ trợ người dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 2367/KH-UBND triển khai nội dung về thông tin và truyền thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo đó, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Gia Lai sẽ thiết lập 88 điểm hỗ trợ người dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại 15 huyện, thị xã (trừ thị xã Ayun Pa và thành phố Pleiku).

Vị trí đặt điểm hỗ trợ tại các xã thuộc khu vực III hoặc thôn, làng đặc biệt khó khăn và bảo đảm các điều kiện như: Có sẵn nhà kiên cố và hạ tầng công trình xây dựng; thuận tiện người dân đến tiếp cận, sử dụng dịch vụ; bảo đảm an toàn, an ninh về con người, tài sản, thiết bị; có nguồn điện ổn định. Thiết bị cơ bản tại mỗi điểm gồm, một ti-vi được kết nối internet, một amply, loa phục vụ hội trường, micro…

Để phục vụ cho công tác vận hành, mỗi xã bố trí hai cán bộ tham gia tập huấn kiến thức quản lý làm nhiệm vụ khai thác, điều hành, quản lý và hướng dẫn người dân. Kinh phí để triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch này được phân bổ từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thông tin mới ảnh 2

Huyện Kbang tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức.

Lâm Đồng khuyến cáo không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, để bảo đảm chất lượng, thương hiệu, uy tín của sầu riêng địa phương, ổn định đầu ra cho sản phẩm, nhà nông và các doanh nghiệp, hợp tác xã không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cây công nghiệp, cây khác đang trồng xen sầu riêng có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng. Đồng thời, thực hiện trồng và chăm sóc sầu riêng theo quy trình canh tác của Sở Nông nghiệp đã ban hành và hướng dẫn của cơ quan chức năng; thực hiện việc quản lý diện tích được cấp mã số vùng trồng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tham gia và giữ ổn định các liên kết sản xuất tiêu thụ sầu riêng.

Lâm Đồng hiện có hơn 19,7 nghìn ha sầu riêng, trong đó có khoảng 10,8 nghìn ha đã cho sản phẩm; dự kiến, sản lượng năm 2023 đạt khoảng 115 nghìn tấn.