Thông điệp sau chuyến thị sát của “tư lệnh” ngành giao thông

NDO - Trực tiếp thị sát, kiểm tra công tác tổ chức thi công tại 6 dự án thành phần của “đại dự án” đường cao tốc bắc-nam (giai đoạn II) trong những ngày đầu tháng 3, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo “nóng” ngay ở hiện trường nhiều vấn đề, đưa ra thông điệp nhằm rút ngắn tiến độ, giám sát chặt chất lượng công trình giao thông để hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, các dự án đường cao tốc trong giai đoạn II phải thực hiện đồng bộ; đạt chất lượng, bảo đảm tính mỹ thuật và kỹ thuật.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, các dự án đường cao tốc trong giai đoạn II phải thực hiện đồng bộ; đạt chất lượng, bảo đảm tính mỹ thuật và kỹ thuật.

Các dự án đường cao tốc triển khai trong giai đoạn II phải thực hiện đồng bộ; đạt chất lượng, bảo đảm tính mỹ thuật và kỹ thuật tốt hơn, phấn đấu thông toàn tuyến trong năm 2025. Khi hoàn thiện "hạ tầng cứng" phải có ngay "dịch vụ mềm", hệ thống ITS để tổ chức giao thông thông minh.

Cải tiến công nghệ, tăng tốc thi công

Dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam, đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn do Ban Quản lý dự án 2 là chủ đầu tư, có chiều dài 88km, đi qua hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 20.469 tỷ đồng, khởi công ngày 1/1/2023, theo kế hoạch sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong tháng 9/2026.

Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng cho biết, đến cuối tháng 1 vừa qua, dự án đã giải ngân hơn 7.086 tỷ đồng, đạt 99,55% theo kế hoạch. Đối với nguồn vốn bố trí năm 2024 hơn 3.566 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân khoảng 234 tỷ đồng. Năm nay, Ban Quản lý dự án 2 sẽ tập trung làm phần cầu, đường và hệ thống 3 hầm trên tuyến với sản lượng thực hiện dự kiến 5.900 tỷ đồng, giải ngân đạt 3.122 tỷ đồng.

Kiểm tra công địa, “Tư lệnh” ngành giao thông nhấn mạnh, dự án Quảng Ngãi-Hoài Nhơn là dự án lớn nhất trong số 12 dự án thành phần cao tốc bắc-nam (giai đoạn II). Trên tuyến có 3 hầm xuyên núi là thử thách lớn đối với Ban Quản lý dự án và nhà thầu, tuy nhiên, qua 1 năm triển khai, nhà thầu đã đào thông 2 trong số 3 hầm. Điều đó khẳng định nỗ lực cũng như minh chứng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sẽ rút ngắn tiến độ thi công.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan phải thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất, lấy lại tiến độ dự án sau giai đoạn đầu gặp khó khăn về mặt bằng, nguồn vật liệu. Đây là dự án thành phần quan trọng của "đại dự án" đường cao tốc bắc-nam phía đông, việc tháo gỡ nút thắt, gia tăng sản lượng trên công trường là nhiệm vụ rất quan trọng. Ban Quản lý dự án 2, nhà thầu và các địa phương cùng chia sẻ, đồng hành để tăng tốc thi công, đưa dự án "về đích"ngay trong năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thông điệp sau chuyến thị sát của “tư lệnh” ngành giao thông ảnh 2

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Tấn Đông (ngoài cùng bên phải) báo cáo tình hình thi công dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Tấn Đông, ngoài đắp nền đường trên tuyến đạt khoảng 2,6 triệu m3, các đơn vị cũng đồng thời triển khai thi công 54/77 cầu, cống. Việc thi công hai hầm số 1 và số 2 đang vượt tiến độ 3 tháng so kế hoạch; riêng hầm số 3 dài nhất trên tuyến (3.200m), hiện tại ống hầm trái đã khoan được 635m, ống hầm phải 634m. Đèo Cả đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào thi công, nhằm rút ngắn thời gian, kiểm soát "đường găng" tiến độ dự án. Trên toàn dự án, nhà thầu bố trí hơn 1.100 đầu máy, thiết bị cùng 3.182 nhân lực, tổ chức 43 mũi thi công.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ "Hạ tầng giao thông phải mở ra không gian phát triển và tiến độ phải nhanh, nhanh hơn nữa".

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đề nghị Tập đoàn Đèo Cả phát huy tinh thần sáng tạo, tìm mọi giải pháp, cách tiếp cận mới trong quá trình thi công hầm số 3 để thông hầm và đồng bộ toàn tuyến trong năm 2025.

"Nếu thông toàn tuyến trong năm 2025, vượt tiến độ 8 tháng so yêu cầu đặt ra thì đây sẽ là công trình tiêu biểu, có ý nghĩa thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Công trình hoàn thành sớm ngày nào sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội sớm ngày đó, thu hút đầu tư, tạo xung lực mới cho các địa phương nơi dự án đi qua và cả nước nói chung", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đồng bộ hạ tầng

Tại hai dự án thành phần đường cao tốc đoạn Hoài Nhơn-Quy Nhơn và Quy Nhơn-Chí Thạnh, có mặt tại công địa thi công của nhà thầu Sơn Hải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ghi nhận sáng kiến sử dụng tuyến chính đang thi công thành đường công vụ của Sơn Hải đồng thời "đặt hàng" chủ đầu tư Ban Quản lý dự án 85, các nhà thầu, đơn vị trên tuyến đưa cán đích vào tháng 9/2025, vượt ít nhất 3 tháng tiến độ. Tại đoạn Vân Phong-Nha Trang, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, dự án đã có chuyển biến rõ nét, cần xây dựng thành hình mẫu và đặt mục tiêu đưa Vân Phong-Nha Trang "về đích" sớm nhất trong 12 dự án đường cao tốc (giai đoạn II).

Các công trình đường cao tốc trong giai đoạn II phải thực hiện đồng bộ, đạt chất lượng, bảo đảm tính mỹ thuật và kỹ thuật tốt hơn; khi hoàn thành "hạ tầng cứng" phải có ngay "dịch vụ mềm" để tổ chức giao thông thông minh; phấn đấu nối thông toàn tuyến trong năm 2025.

Bộ trưởng Giao thông vận tải NGUYỄN VĂN THẮNG

Trước khi thị sát công trường thi công, "tư lệnh" ngành giao thông đã kiểm tra công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân, ghi nhận năng lực của Đèo Cả trong đào tạo nhân lực và hiệu quả của ứng dụng công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án khi thi công xong đường cao tốc là phải quản lý, vận hành bằng công nghệ, có trung tâm điều hành giao thông thông minh, đầu tư xây dựng hoàn thiện trạm dừng nghỉ đồng bộ, hiện đại. Các Ban Quản lý dự án cần rà soát kỹ, nêu rõ số lượng, quy mô các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc,…

"Các Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn khi triển khai thi công trạm dừng nghỉ không chỉ chăm chăm ''rập khuôn'', soi quy chuẩn để áp dụng vào công trình một cách máy móc, mà cần sáng tạo, hướng đến "vượt chuẩn", nhằm cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân. Đơn vị nào có thế mạnh, cần khuyến khích thiết kế làm rộng hơn, đẹp hơn, tuyệt đối không được để đường cao tốc đưa vào khai thác mà vẫn thiếu trạm dừng nghỉ'', Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thông điệp sau chuyến thị sát của “tư lệnh” ngành giao thông ảnh 4

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng (đứng giữa) yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án khi thi công xong đường cao tốc là phải quản lý, vận hành bằng công nghệ, có trung tâm điều hành giao thông thông minh, đầu tư xây dựng hoàn thiện trạm dừng nghỉ đồng bộ, hiện đại.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dự án đường cao tốc đầu tư trạm dừng nghỉ đồng bộ, sẽ hạn chế được tình trạng xe đậu đỗ bên đường, vừa gây nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường. Các đơn vị liên quan phải rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, khắc phục triệt để khiếm khuyết của những dự án triển khai trước năm 2020. Các công trình đường cao tốc trong giai đoạn II phải thực hiện đồng bộ, đạt chất lượng, bảo đảm tính mỹ thuật và kỹ thuật tốt hơn; khi hoàn thành ''hạ tầng cứng'' phải có ngay "dịch vụ mềm" để tổ chức giao thông thông minh; phấn đấu nối thông toàn tuyến trong năm 2025.