Tại Hội nghị SIDS4, Thủ tướng Antigua và Barbuda Gaston Browne nhấn mạnh, các quốc đảo nhỏ đang phát triển trên thế giới hiện phải đương đầu với hàng loạt cuộc khủng hoảng. Trong đó, mối đe dọa khẩn cấp nhất là những thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra. Loay hoay ứng phó với các khoản nợ ngày càng tăng và mực nước biển dâng cao, các quốc đảo đang phát triển ở vùng Caribe hay Thái Bình Dương đều có chung những đặc điểm dẫn đến tình trạng dễ bị tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài.
Các quốc đảo nhỏ đang phát triển trên thế giới hiện phải đương đầu với hàng loạt cuộc khủng hoảng. Trong đó, mối đe dọa khẩn cấp nhất là những thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.
Đây đều là những vùng đất nhỏ có dân cư sống rải rác và biệt lập, với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Ông Achim Steiner, người đứng đầu Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, một sự kiện thời tiết cực đoan cũng có thể khiến sự phát triển của một quốc đảo nhỏ thụt lùi từ 5 năm đến 10 năm.
Yếu tố tài chính luôn được quan tâm trong các cuộc đàm phán khí hậu, bởi việc thúc đẩy hành động vì khí hậu chỉ có thể đạt được một khi các nước có đủ nguồn lực tài chính. Hội nghị SIDS4 đã phát đi thông điệp đoàn kết, kêu gọi các nước chung tay giải quyết vấn đề tài chính khí hậu hóc búa.
Tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, các quốc đảo nhỏ có quyền yêu cầu được cung cấp tài chính nhiều hơn từ Quỹ tổn thất và thiệt hại - công cụ hỗ trợ các quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Theo giới phân tích, hầu hết các quốc đảo nhỏ được phân loại là quốc gia có thu nhập trung bình trở lên. Điều này đồng nghĩa với việc họ không thể tiếp cận viện trợ quốc tế và nguồn tài chính ưu đãi dành cho các quốc gia nghèo nhất thế giới. UNDP ước tính, các quốc đảo nhỏ đang phát triển cần tới từ 4,7 tỷ đến 7,3 tỷ USD mỗi năm chỉ để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Gánh nặng nợ nần cũng cản trở các nước này trong thực hiện các mục tiêu phát triển, bao gồm cả mục tiêu khí hậu. Liên hợp quốc ước tính, các quốc đảo này phải dành tới 15,9% thu nhập của chính phủ chỉ để trả lãi vay trong năm 2024.
Trong khi đó, tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra với các quốc đảo ngày một gia tăng. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho rằng, nếu không có hành động can thiệp kịp thời để ứng phó tình trạng nước biển dâng, các đảo vùng trũng như Tuvalu và Quần đảo Solomon sẽ dần bị ngập úng, đất đai bị phá hủy.
Gánh nặng nợ nần cũng cản trở các nước này trong thực hiện các mục tiêu phát triển, bao gồm cả mục tiêu khí hậu. Liên hợp quốc ước tính, các quốc đảo này phải dành tới 15,9% thu nhập của chính phủ chỉ để trả lãi vay trong năm 2024.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nằm trên các tuyến hàng hải mang tính chiến lược, các quốc đảo, nhất là ở khu vực Thái Bình Dương, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước lớn và có tiếng nói mạnh mẽ hơn tại các diễn đàn quốc tế.
Mới đây, nhóm các quốc đảo nhỏ, gồm Antigua và Barbuda, Tuvalu, Palau, Niue, Saint Vincent và Grenadines…, đã giành chiến thắng trong một vụ kiện liên quan tình trạng nước biển dâng cao.
Theo đó, Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) ở Hamburg (Đức) ra phán quyết ủng hộ nhóm quốc đảo nhỏ này. Phán quyết cho rằng, lượng khí thải nhà kính do đại dương hấp thụ được coi là ô nhiễm biển và các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển bằng cách thực hiện các mục tiêu đã cam kết theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015.
Việc san sẻ trách nhiệm tài chính khí hậu ngày càng trở nên khó khăn với mọi quốc gia, trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu bấp bênh. Nhưng đây là nhiệm vụ không thể thoái thác.
Là những quốc gia ở tuyến đầu chống chịu tác động từ biến đổi khí hậu, các quốc đảo đang khẩn cấp kêu gọi sự đồng hành, hỗ trợ của các quốc gia khác để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến cam go nhằm bảo vệ khí hậu và vì sự tồn vong của chính mình.