Khẳng định tiếng nói của các quốc đảo

Hội nghị cấp cao Diễn đàn các quốc đảo và quần đảo (AIS) lần thứ nhất vừa diễn ra tại Indonesia. Hội nghị không chỉ là cơ hội để các quốc đảo tăng cường tình đoàn kết mà còn khẳng định tiếng nói, đóng góp giải quyết thách thức toàn cầu. Đặc biệt, các quốc đảo đang chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00

Hội nghị cấp cao AIS diễn ra trong bối cảnh các quốc đảo trên thế giới đang đối mặt hàng loạt tác động tiêu cực do tình trạng nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, mất đa dạng sinh học…

Liên hợp quốc nhấn mạnh, biến đổi khí hậu có tác động đầu tiên và trực tiếp đến các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, hội nghị kêu gọi các nước tăng cường hợp tác trong 4 lĩnh vực chính, gồm giảm ảnh hưởng và thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển xanh và du lịch sinh thái; giải quyết rác thải nhựa trên biển và ven biển; quản trị hàng hải.

Liên hợp quốc nhấn mạnh, biến đổi khí hậu có tác động đầu tiên và trực tiếp đến các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, hội nghị kêu gọi các nước tăng cường hợp tác trong 4 lĩnh vực chính, gồm giảm ảnh hưởng và thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển xanh và du lịch sinh thái; giải quyết rác thải nhựa trên biển và ven biển; quản trị hàng hải.

Quy tụ sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ nhiều quốc gia thành viên AIS và các tổ chức quốc tế, Hội nghị thượng đỉnh AIS lần thứ nhất được coi là sự kiện mang tính bước ngoặt, đặt nền tảng để các quốc đảo tìm ra hướng đi chung, đóng góp giải quyết những thách thức toàn cầu.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi kêu gọi các quốc đảo, quần đảo tăng cường đoàn kết, đưa AIS trở thành “ngọn hải đăng” dẫn đường trong tiến trình thúc đẩy hợp tác bao trùm, hiệu quả.

Hội nghị cấp cao AIS là minh chứng cho thấy, các quốc đảo đang ngày càng khẳng định tiếng nói quan trọng trong xử lý các vấn đề toàn cầu và tại nhiều diễn đàn quốc tế.

Điều này cũng được thể hiện rõ tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, diễn ra tháng 9 vừa qua tại New York (Mỹ), khi tiếng nói của các quốc đảo như Kiribati, Tuvalu, Nauru, Timor Leste nhận được sự chia sẻ, hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng quốc tế.

Với vị thế địa chính trị ngày càng được nâng cao, các quốc đảo cũng có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước lớn. Cuối tháng 9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp đón các nhà lãnh đạo 18 quốc đảo Thái Bình Dương tại Nhà trắng nhân dịp Hội nghị cấp cao Mỹ-Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) lần thứ 2. Trước sự kiện ở Nhà trắng, Washington công bố thiết lập quan hệ ngoại giao với 2 quốc đảo Thái Bình Dương là quần đảo Cook và Niue. Mỹ cũng đã mở Đại sứ quán tại quần đảo Solomon và Tonga. Năm 2022, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ thăm Fiji sau 36 năm...

Những bước đi quyết liệt nêu trên cho thấy quyết tâm của Washington trong việc củng cố kết nối với khu vực này, đúng như lời Tổng thống Biden từng nhấn mạnh: Các quốc đảo Thái Bình Dương đóng góp tiếng nói quan trọng định hình thế giới trong những thập niên tới và đó là lý do Mỹ ưu tiên tăng cường hợp tác với các quốc đảo.

Tại Hội nghị cấp cao đầu tiên giữa Hàn Quốc và 18 thành viên PIF diễn ra tháng 5 vừa qua, Seoul đã cam kết tăng gấp đôi vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho khu vực này, lên 39,9 triệu USD vào năm 2027, đồng thời tăng cường cung cấp tài chính, công nghệ giúp các nước ứng phó biến đổi khí hậu. Nhân Diễn đàn hợp tác Ấn Độ-các quốc đảo Thái Bình Dương được tổ chức ở Papua New Guinea, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng khẳng định New Delhi là đối tác tin cậy của các quốc đảo gặp khó khăn do chuỗi cung ứng gián đoạn và biến đổi khí hậu.

Tiếng nói của các quốc đảo ngày càng được coi trọng, bởi họ là “nạn nhân chính” của tình trạng biến đổi khí hậu. Trong báo cáo công bố mới đây, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo, mực nước biển phía tây và nam Thái Bình Dương dâng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, khiến các đợt triều cường ngày càng cao, đe dọa các đảo thấp. Nhiệt độ nước biển tăng cũng gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái biển. Theo WMO, chỉ trong năm 2022, khu vực trên đã trải qua 35 thảm họa thiên tai, như bão và lũ lụt, khiến hơn 700 người thiệt mạng, ảnh hưởng cuộc sống của hơn 8 triệu người, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Đáng lo ngại, mực nước biển dâng cao đang đe dọa sự tồn vong của các quốc đảo.

Đứng nơi đầu sóng ngọn gió, gánh chịu tác động trực tiếp của tình trạng nước biển dâng, các quốc đảo cần được thế giới lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành trong nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu.