Nỗ lực ứng phó tình trạng nước biển dâng

Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa thông qua nghị quyết triệu tập hội nghị cấp cao về giải quyết các mối đe dọa hiện hữu do nước biển dâng. Trong bối cảnh tình trạng nước biển dâng đang kéo theo những tác động ngày càng rõ rệt đối với cuộc sống và sinh kế của người dân, việc sớm tìm ra biện pháp ứng phó trở nên ngày càng cấp thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Nước biển dâng tác động tiêu cực tới nhiều khu vực tại Mexico. (Ảnh AP)
Nước biển dâng tác động tiêu cực tới nhiều khu vực tại Mexico. (Ảnh AP)

Indonesia đang xem xét kế hoạch chi hàng chục tỷ USD để xây tường biển nhằm ngăn thủ đô Jakarta bị chìm dần do nước biển dâng. Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, dự án dự kiến kéo dài đến năm 2040. Là nơi sinh sống của hơn 10 triệu người, Jakarta đã chứng kiến một số khu vực bị ngập tới 4m trong giai đoạn 1997-2005.

Giới chuyên gia dự báo, 1/3 thành phố có thể bị nhấn chìm vào năm 2050 nếu tình trạng nước biển dâng không được kiểm soát. Lũ lụt ở vùng ven biển Jakarta ước tính gây thiệt hại 135 triệu USD và có khả năng tăng lên 642,5 triệu USD trong thập niên tới.

Indonesia chỉ là một trong số rất nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nước biển dâng. Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), nguy cơ lũ lụt ven biển đang gia tăng đáng kể.

Trong hai thập niên qua, mực nước biển dâng làm tăng nguy cơ lũ lụt cho 14 triệu người ở các vùng ven biển và nguy cơ này dự kiến sẽ tăng gần gấp 5 lần vào năm 2100, ảnh hưởng cuộc sống của gần 73 triệu người.

Đáng chú ý, các khu vực ở Mỹ Latin, châu Phi và Đông Nam Á đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng về tình trạng ngập lụt thường xuyên. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của con người, nhất là tại các vùng trũng ở các quốc đảo nhỏ.

Theo kịch bản nóng lên toàn cầu nghiêm trọng nhất, khoảng 160.000 km2 đất ven biển có thể chìm dưới nước vào năm 2100. Kịch bản này sẽ ảnh hưởng các thành phố lớn ven biển ở các quốc gia như Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam…

Một trong những nguyên nhân khiến nước biển dâng cao là do biến đổi khí hậu làm gia tăng nhiệt độ trên đất liền và đại dương, khiến các dải băng và sông băng tan chảy.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications cảnh báo, các thềm băng cuối cùng còn sót lại ở Bắc Greenland đã mất hơn 1/3 thể tích trong vòng bốn thập niên qua.

Theo nghiên cứu, dải băng Greenland là tác nhân chính khiến mực nước biển dâng cao toàn cầu, chiếm khoảng 17% mực nước tăng quan sát từ năm 2006-2018.

Giới chuyên gia nhận định, mực nước biển dâng cao là mối đe dọa toàn cầu và gây rủi ro cho một số quốc đảo nằm ở vùng thấp và các thành phố ven biển, đồng thời tác động tiêu cực đến cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ, nước biển dâng gây tác động ở nhiều tầng nấc, bởi hiện tượng này hủy hoại khả năng tiếp cận nước ngọt, lương thực, chăm sóc y tế, đồng thời tước đoạt nhiều việc làm, ảnh hưởng các ngành kinh tế. Ông Guterres cảnh báo nước biển dâng có thể dẫn đến cuộc di cư hàng loạt.

Để đối phó tình trạng này, nhiều quốc gia đã đưa ra biện pháp ứng phó. Singapore thành lập Viện Bảo vệ bờ biển và chống lũ lụt để tìm các giải pháp lâu dài nhằm bảo vệ nước này khỏi tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

Viện đã triển khai các dự án nghiên cứu kỹ thuật mới như tường chắn sóng linh hoạt và các giải pháp dựa vào thiên nhiên như sử dụng rừng ngập mặn hoặc cỏ biển để bảo vệ bờ biển.

Singapore cũng đầu tư cải thiện hệ thống thoát nước và xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống lũ lụt, bao gồm đê biển, cửa ngăn thủy triều và kè chống xói mòn.

Trong khi đó, Chính phủ Anh đẩy nhanh thực hiện kế hoạch phòng chống lụt lội của thủ đô London vào năm 2050 thay vì năm 2065 như dự kiến ban đầu. Kế hoạch nêu trên nhằm bảo vệ London khỏi các rủi ro về triều cường và những hiện tượng mới do biến đổi khí hậu gây ra.

Mực nước biển ngày càng dâng cao đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của các nước, Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ các nước đang chịu tác động trực tiếp của tình trạng này.