Giáo dục thể chất trong Chương trình giáo dục phổ thông mới là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Nội dung chủ yếu của môn học là rèn luyện kỹ năng vận động và phát triển tố chất thể lực cho học sinh bằng những bài tập thể chất đa dạng và phong phú. Nội dung giáo dục được phân chia làm hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Theo thiết kế, chương trình Giáo dục thể chất có nhiều lựa chọn dành cho nhà trường và học sinh, bảo đảm tất cả học sinh đều được học tập, rèn luyện với nội dung phù hợp, đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực quy định trong chương trình. Giáo viên được quyền tham gia xây dựng và chủ động thực hiện kế hoạch giáo dục của môn học phù họp với tình hình thực tế của địa phương, nhà trường và lớp học mình phụ trách.
Về thời lượng, Giáo dục thể chất chiếm tỷ lệ từ 6 - 7% tổng thời lượng các môn học. Điều này đặt ra câu hỏi là liệu thời lượng như vậy có thấp và có thể hiện sự phân biệt môn chính và môn phụ hay không?
Trả lời cho thắc mắc này, GS, TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết: Thời lượng cho các môn học và hoạt động giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông mới được phân bổ dựa trên một số yếu tố như: vai trò của môn học, hoạt động giáo dục đối với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; mức độ phức tạp của nội dung mỗi môn học và hoạt động giáo dục; tổng thời lượng học tập; thời lượng dành cho mỗi môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình hiện hành; tỷ lệ thời lượng giữa các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình một số nước; số lượng giáo viên mỗi môn học và hoạt động giáo dục hiện nay…
Theo đó, thời lượng Giáo dục thể chất trong chương trình mới đã tăng lên 35 tiết so với chương trình hiện hành. Bên cạnh đó, ở cấp THPT, học sinh còn được học Giáo dục quốc phòng và an ninh, một môn học có tác dụng hỗ trợ giáo dục thể chất.
Ban soạn thảo cũng đưa ra dữ liệu so sánh thời lượng bố trí môn học của các nước OECD, Nhật Bản, là những quốc gia mà học sinh được học cả ngày ở trường, có điều kiện thuận lợi để bố trí thời lượng học nhiều hơn Việt Nam. Cụ thể, ở các nước OECD, thời lượng Giáo dục thể chất đối với học sinh 9-11 tuổi chiếm 9%; đối học sinh 12-14 tuổi là 8%. Ở Nhật Bản, thời lượng dành cho môn Giáo dục thể chất ở lớp 1 là 12%, ở các lớp còn lại là 10%.
Như vậy, theo Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, bố trí thời lượng học Giáo dục thể chất với tỷ lệ 6-7% là hợp lý khi so sánh trên nhiều yếu tố.