Thời điểm cuối năm 2024 và đầu năm 2025, tiến độ đơn hàng dồn ép nhiều, công nhân không lúc nào ngưng việc. Dù vất vả là vậy, nhưng cánh thợ đóng tàu luôn tự hào về những sản phẩm do chính tay họ làm ra mang dấu ấn “make in Viêtnam”
Thăng trầm đời thợ
1 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Tuấn, thợ bậc 5/5, Tổ trưởng Tổ gia công 4 thuộc Phân xưởng Vỏ tàu vẫn miệt mài cùng đồng nghiệp gia công, lắp ráp các chi tiết cấu kiện thép của tàu hàng rời trọng tải 65.000 DWT. Sau mỗi ca làm việc, từng block thép hoàn thiện được xe chuyên dụng chở ra bãi, cẩu lên triền đà, đấu nối thành từng tổng đoạn để hình thành nên con tàu, mang niềm tự hào của “thương hiệu” đóng tàu Nam Triệu (NASICO).
Anh Tuấn bắt đầu bén duyên với nghiệp đóng tàu từ cuối năm 1996. Đến nay, với gần 30 năm cầm búa, anh đã đạt bậc cao nhất của đời thợ tàu. Người đàn ông nhỏ bé quê gốc ở Hải Dương luôn làm việc bằng niềm đam mê cháy bỏng, sự tận tụy và động lực lớn nhất là tình yêu nghề. Niềm đam mê đó đã lôi cuốn và giữ chân anh với nghề, kể cả những thời điểm bĩ cực, “bão tố” bủa vây ngành công nghiệp tàu thủy, hay lúc dịch giã phải làm việc, ăn ở luôn tại phân xưởng hàng tháng trời…
Và cũng từ Nam Triệu, Tuấn gặp được người bạn đời có gia đình truyền thống trong ngành đóng tàu với cả bố và mẹ vợ đều là những người thợ lão luyện. Bố vợ anh trước kia là thợ sắt bậc 7/7 (trước đây), còn mẹ vợ cũng là thợ hàn bậc 6/7. Anh cho biết, thời của “nhạc phụ, nhạc mẫu”, chủ yếu sử dụng phương pháp hàn hồ quang tay (hàn que), thợ tàu phải làm việc trong môi trường độc hại, năng suất không cao. Ngày nay, nhờ tiến bộ của khoa học-công nghệ, các máy móc hiện đại được đưa vào áp dụng thực hiện phương pháp hàn TIG (Tungsten inert gas - hàn hồ quang bằng điện cực không nóng trong môi trường khí bảo vệ) và hàn MIG (với khí bảo vệ CO2) đã cải thiện đáng kể điều kiện làm việc, đạt năng suất cao gấp 2,5 lần so với hàn hồ quang tay. Nhưng cũng từ đó, việc nâng tầm trình độ của người thợ càng thêm phần khó khăn.
Với Nam Triệu, công tác đào tạo, nâng cao trình độ thợ đóng tàu luôn được chú trọng. Hằng năm, công ty đều tổ chức các đợt thi nâng bậc cho các ngành thợ (thông thường với mỗi người thợ ba năm/lần). Hiện nay, công nghệ phát triển, máy móc ngày càng hiện đại, người thợ phải thường xuyên cập nhật, thích nghi công nghệ mới, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề để tạo ra các sản phẩm thỏa mãn những yêu cầu khắt khe nhất của các tổ chức đăng kiểm trong nước và quốc tế. Anh Tuấn cho biết: Thợ phải thi đạt lý thuyết mới được nhận đề thi tay nghề. Kỳ thi yêu cầu thực hiện các kỹ thuật khó của quy trình đóng tàu như chỉnh trục ống bao, loại trục có tâm, khi đóng mới, căn chỉnh tâm không lệch quá 1,5 mm. Tất cả đều phải được làm hoàn toàn bằng tay, không có trợ giúp từ máy móc. Có thể thấy, để đánh giá tay nghề của người thợ lành nghề thật sự không hề đơn giản.
Khó khăn như vậy, thợ đóng tàu là nữ lại càng gặp thử thách lớn. Ấy vậy, đối với chị Nguyễn Thị Cúc, thợ hàn sắt bậc 3/5, có tới 17 năm trong nghề lại “không có gì đáng kể”. Với nụ cười rạng rỡ, người phụ nữ sinh năm 1978 tóm tắt một ngày làm việc khá đơn giản: “Bắt đầu rất âu lo về tiến độ công việc nhưng kết thúc rất tự hào với thành quả được tạo ra”. Trong sản xuất, những người thợ hàn luôn đòi hỏi phải tập trung cao độ, khéo léo nhất là xử lý những chi tiết khó, bảo đảm cả kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng; quan trọng hơn cả là tuân thủ quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Với người phụ nữ như chị Cúc, dù mệt mỏi thế nào thì khi kết thúc ngày làm việc vẫn phải trở về nhà, thu vén việc gia đình. “Phụ nữ ai chẳng muốn được mặc đẹp, làm công việc nhẹ nhàng. Nhưng mỗi người một suy nghĩ, một cách sống, một công việc yêu thích. Với tôi, bộ quần áo bảo hộ, chiếc mặt nạ phòng độc, găng tay… chính là bộ trang phục phù hợp nhất. Thợ đóng tàu dù nam hay nữ, chỉ quan niệm: Đến làm việc và về an toàn”, chị Cúc chia sẻ.
Không riêng thợ hàn, thợ cơ khí, lắp ráp… nhiều bộ phận, phân xưởng của ngành đóng tàu cũng luôn phải đối mặt nguy hiểm, độc hại chực chờ và nguy cơ tai nạn lao động. Nữ công nhân trẻ Vi Thị Vương, sinh năm 1996 (người dân tộc Thái, quê Thanh Hóa) kể về sự vất vả ở Phân xưởng Làm sạch tôn: “Dù đông hay hè, bọn em luôn phải làm việc trong các hầm két để phun cát làm sạch sơn, gỉ… Với môi trường làm việc đặc biệt, mặc dù được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động, mặt nạ phòng độc nhưng trong không gian kín mùi sơn, dầu mỡ nồng nặc thì không tránh khỏi những lúc bị say sơn, buồn nôn, chóng mặt”.
Thợ hàn hăng say lao động trong Phân xưởng Vỏ tàu ở Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nam Triệu. (Ảnh THẾ ĐẠI) |
Hết mình với nghiệp đóng tàu
Thời điểm khó khăn nhất của người thợ đóng tàu Nam Triệu nói riêng, hay ngành đóng tàu Việt Nam và thế giới nói chung là thời kỳ suy thoái kinh tế 2012-2014, vận tải biển đình trệ, các đơn hàng đóng tàu giảm sút trầm trọng, công nhân không có việc làm. “Cả hai vợ chồng tôi đi làm luân phiên, một tháng lương chỉ được 20 công, lúc nghỉ phải đi làm thêm việc khác. Mọi gia đình công nhân đóng tàu ở Nam Triệu đều gặp tình cảnh đó. Rất may là lãnh đạo công ty tìm đủ mọi cách bảo đảm thu nhập để người lao động duy trì cuộc sống”, anh Tuấn kể.
Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ: Không riêng công nhân, nhiều người làm công tác quản lý thời điểm đó cũng bị dao động bởi sức ép và gánh nặng kinh tế gia đình. Bản thân tôi, sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, cân nhắc kỹ thì nhận thấy, lúc công ty gặp khó khăn, điều cần nhất là sự gắn bó, một lòng đồng cam cộng khổ của tập thể. Và thực tế đã chứng minh, sau 10 năm, sự nỗ lực không biết mệt mỏi của toàn thể cán bộ, công nhân viên Nam Triệu đem lại những thành quả nhất định: Các đối tác trong nước và ngoài nước tìm đến đặt hàng rất nhiều, bảo đảm việc làm cho người lao động trong vòng 5 năm tới.
Anh Hải là cán bộ trưởng thành từ thợ máy. Không ít nhân sự quản lý phân xưởng, lãnh đạo của Nam Triệu hay một số đơn vị đóng tàu khác thuộc SBIC đều đi lên từ cơ sở, thấm hiểu hơn ai hết mồ hôi, nước mắt của đời thợ đóng tàu qua mỗi thời kỳ. Vì lẽ đó, trong những giai đoạn càng khó khăn, bản lĩnh người thợ lại được thể hiện. Anh Nguyễn Minh Thực, Phó Quản đốc Phân xưởng Vỏ tàu trước đây là thợ hàn. Đằng đẵng suốt bốn năm trời, hết ca sản xuất, tối đến, anh lặng lẽ đi và về khoảng 60 km từ công ty ở Thủy Nguyên sang thành phố Hải Phòng học tại chức tại Trường đại học Hàng hải. Cả bốn anh chị em trong gia đình đều là công nhân Nam Triệu, nhưng chỉ mình anh nỗ lực theo đuổi việc học nâng cao trình độ, bằng cấp. “Kể cả chỉ làm thợ cũng phải học hỏi, nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm. Nhưng do gia đình có truyền thống gắn bó với ngành đóng tàu, tôi tự thấy mình phải nỗ lực hơn nữa để góp công sức cho công ty, cho công việc mình yêu thích!”, anh Thực nói.
[Ảnh] Vững vàng đôi bàn tay của những người thợ đóng tàu Nam Triệu
Trong những ngày tháng gian khó, lần hồi kiếm việc nuôi nhau, chưa bao giờ người quản lý, người thợ Nam Triệu ngừng học hỏi, cập nhật công nghệ đóng tàu tiên tiến, âm thầm nuôi dưỡng, tích lũy kinh nghiệm để chờ đón cơ hội mới. Và để “tái sinh”, cũng như các đơn vị khác trong SBIC, Nam Triệu phải cơ cấu lại, lột bỏ “lớp da” cũ kỹ để có một cơ thể gọn nhẹ, mạnh mẽ rẽ sóng vươn khơi. Từ chỗ từng có 8.000 công nhân vào năm 2008, nuôi giấc mơ ghi tên mình vào “bản đồ” ngành đóng tàu thế giới, tới năm 2013, sau nhiều lần cắt giảm, công ty giữ lại “bộ khung” chủ chốt gồm hơn 500 cán bộ, công nhân viên, trong số đó có nhiều thợ giỏi, kiên cường bám trụ nhà xưởng.
Kết quả là, nếu như thời kỳ hoàng kim năm 2008, Nam Triệu từng đóng thành công kho nổi FSO-5 chứa xuất dầu 150.000 tấn, có công năng như một nhà máy lọc dầu với hệ thống xử lý cực kỳ phức tạp, lập nên kỷ lục lúc bấy giờ; thì trải qua một giai đoạn dài đầy khó khăn, giữa năm 2024, Nam Triệu hạ thủy tàu hàng tải trọng 65.000 DWT đầu tiên trong series bốn chiếc, là con tàu lớn nhất “make in Vietnam”. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Lê Đình Vinh, trong nhiều năm qua, Nam Triệu luôn nỗ lực tạo ra sản phẩm chất lượng ngày một tốt hơn; cũng là chứng minh năng lực với các bạn hàng, đối tác. Những đơn hàng giá trị cao, quy mô lớn được ký những ngày cuối năm 2024 là minh chứng cho năng lực thật sự của Nam Triệu và SBIC hiện tại, cũng là ghi nhận xứng đáng thành quả của những người thợ lành nghề, gắn bó hết mình với nghiệp đóng tàu.
Quyền Tổng Giám đốc SBIC Trần Mạnh Hà nhận định: “Tập thể cán bộ, người thợ đóng tàu Nam Triệu nói riêng, toàn tổng công ty nói chung, với tình yêu nghề sâu đậm và ý chí kiên cường, luôn vững niềm tin, sẵn sàng đối mặt mọi thử thách, khó khăn. Họ không chỉ đổ mồ hôi, công sức để tạo ra những con tàu hiện đại mà còn gửi gắm vào đó niềm tự hào dân tộc và khát vọng đưa ngành đóng tàu Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới” ■