Theo báo cáo mới nhất của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư gói thầu số 19 thì đến nay tiến độ gói thầu 19 đã chậm so với kế hoạch ban đầu khoảng 4 tháng. Nguyên nhân một phần do chậm giải quyết thủ tục về bãi đổ thải và vật liệu cho gói thầu. Thêm vào đó một phần nguyên nhân ảnh hưởng từ việc một nhà thầu trong liên danh trúng thầu gói thầu số 19 đã đề nghị chấm dứt hợp đồng, vì vậy ACV phải hoàn thiện thủ tục ký lại hợp đồng với các nhà thầu còn lại trong liên danh, đến ngày 12/12/2022 gói thầu 19 mới bắt đầu được triển khai thi công trên thực địa.
Kể từ thời điểm chính thức triển khai thi công (12/12/2022), ACV đã quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công bù tiến độ đã chậm; đồng thời chỉ đạo các đơn vị lập tiến độ thi công tổng thể, chi tiết theo tiến độ thực tế, tiến độ điều chỉnh với yêu cầu phải hoàn thành dự án trước ngày 18/12/2023. Dưới sự chỉ đạo sát sao của ACV, đến ngày 17/3 nhiều hạng mục trong gói thầu 19 đã hoàn thành và hoàn thành vượt tiến độ.
Cụ thể, thi công đào phá kết cấu hiện hữu đạt 100% khối lượng; thi công đào bóc hữu cơ đạt 191% khối lượng (riêng hạng mục này vượt tiến độ 35 ngày); thi công thử nghiệm cọc đất đạt 100% khối lượng; thi công cọc đất gia cố xi-măng đại trà cũng vượt tiến độ…
Hiện tại, trên công trường thi công gói thầu 19 luôn có hơn 120 đầu xe, máy, thiết bị sẵn sàng làm việc liên tục cả ngày và đêm nhưng lại không thể tăng tiến độ thi công đường băng do không chủ động được nguồn vật liệu đất đắp. Trung bình mỗi ngày công trường cần 20.000-30.000m3 đất, cát đắp nhưng nguồn cung từ các mỏ tại địa phương không đáp ứng. Vì vậy, dù đã đào xong 3 vị trí đào thay thế đất yếu nhưng không có nguyên liệu đắp thay thế.
Ngoài vật liệu đất đắp thì vật liệu cát đắp, cát bê-tông trên địa bàn tỉnh Điện Biên rất khan hiếm. Trữ lượng thực tế các mỏ được cấp phép hiện còn khoảng 10.000-15.000m3; các điểm mỏ mới chưa hoàn thiện thủ tục chưa thể cung cấp vật liệu cho dự án, trong khi nhu cầu cát dành cho gói thầu 19 lên tới gần 200.000m3.
Một trong các điểm trên đường băng đã được nhà thầu hoàn thành đào đất yếu nhưng không có cát đắp. |
Mục sở thị công trường thi công gói thầu 19 vào sáng 21/3, chúng tôi đã thấy hệ lụy do thiếu nguồn nguyên liệu hiện hữu. Đập vào mắt chúng tôi là hàng chục đầu xe, máy nằm yên trên công trường; các khu vực đã hoàn thành đào nền thì nền vẫn trơ trơ đợi… đất đắp.
Trao đổi với phóng viên, các nhà thầu trên công trường, đều chung nỗi lo lúc này là mưa, vì chỉ mưa một ngày thôi việc thi công sẽ càng vất vả hơn. Thêm vào đó là tình trạng nước từ ruộng sản xuất của người dân quanh khu vực vẫn tràn vào công trường, vì hệ thống kênh mương chưa được triển khai.
Chủ động khắc phục khó khăn bảo đảm tiến độ thi công các phần việc, đồng thời chủ động khảo sát nguồn nguyên liệu (đất, cát) đủ tiêu chuẩn phục vụ công trình, trong 2 ngày 6/3 và 17/3, ông Nguyễn Đức Toàn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình Hàng không ACC đã đại diện cho liên danh nhà thầu thi công gói thầu 19, có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đề nghị hỗ trợ giải quyết đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác cho các mỏ cát mới, các nguồn khai thác cát khác có đủ cơ sở pháp lý và bổ sung trữ lượng khai thác cho các mỏ đã được cấp phép, đặc biệt là mỏ tại đội 2 xã Thanh Yên (huyện Điện Biên).
Cùng với đó, Tổng công ty Xây dựng công trình Hàng không ACC cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tạo điều kiện cho các nhà thầu được khai thác tận thu vật liệu đất đắp thuộc dự án: “Khu dân cư cụm III trung tâm huyện lỵ huyện Điện Biên” để phục vụ thi công gói thầu 19.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không do tỉnh ủy Điện Biên tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Đức Toàn, tiếp tục đề nghị chính quyền địa phương, các sở, ngành quan tâm giải quyết nguồn nguyên liệu. Còn nếu đầu tháng 4/2023 vẫn không có các nguồn vật liệu cát, đất đắp thì tiến độ công trình sẽ chậm trễ hơn nhiều so dự kiến, bởi mùa mưa đang gần đến.
Tại Quyết định 470/QĐ-TTg ngày 27/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, với quy mô đường cất hạ cánh dài 2.400 mét, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như A320, A321; nâng cấp nhà ga đáp ứng các tiêu chuẩn, công suất giai đoạn 1 từ 500.000 đến 1 triệu khách/năm. Dự án được khởi công từ tháng 1/2022, có tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của ACV.