Khoảng trống nêu trên đã gây ra các vụ bạo hành đối với trẻ em hết sức thương tâm, gây phẫn nộ, bất an cho xã hội cần quyết liệt, chấn chỉnh mạnh tay hơn qua đó lập lại môi trường giáo dục an toàn hơn, văn minh hơn.
Liên quan vụ việc bảo mẫu bạo hành những đứa trẻ chỉ mới một vài tháng tuổi tại Mái ấm Hoa Hồng mới đây, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, làm rõ. Những người vi phạm sẽ phải chịu sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật.
Chính quyền cấp phép, rồi bỏ mặc…?
Vụ việc bảo mẫu dùng tay tát vào mặt, đánh, quăng quật những đứa trẻ chỉ mới một vài tháng tuổi xảy ra hằng ngày tại Mái ấm Hoa Hồng (Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) khiến cả xã hội phẫn nộ, đau xót, nhất là khi nơi đây nhận nuôi dạy trẻ cơ nhỡ, mồ côi, trẻ sống lang thang, trẻ bị bỏ rơi. Sự việc được phanh phui khi báo chí thâm nhập, điều tra, đưa ra ánh sáng.
Những tưởng trong “mái ấm” đó, những đứa trẻ sẽ được bù đắp bằng sự yêu thương, đùm bọc của những người chăm sóc và sự đồng hành của các nhà hảo tâm nhưng sự thật thì hoàn toàn không phải thế. Những hành vi, thái độ đối xử không mang tính người đã xảy ra ở Mái ấm mang tên Hoa Hồng!
Mới đây, một chủ cơ sở lớp mẫu giáo Tý Bo (đường Linh Ðông, phường Linh Ðông, thành phố Thủ Ðức), có hành vi dùng đồ chơi đánh vào đầu, ngồi lên người một trẻ (sinh năm 2018) trong giờ học. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở này cho rằng, do trẻ lười ăn, hay quậy phá nên phải làm như thế để ép trẻ làm theo ý mình.
Trước đó, tại một căn hộ chung cư cao cấp tại quận Bình Thạnh, một bé gái tám tuổi đã bị bố ruột và nhân tình của mình đánh đập, hành hạ nhiều ngày liền bằng những hình thức bạo hành tàn nhẫn. Khi sức khỏe, khả năng chịu đựng của đứa trẻ cạn kiệt, cháu đã tử vong tại bệnh viện. Những kẻ thủ ác đã bị pháp luật trừng trị nhưng mỗi lần nhắc đến, dư luận vẫn hết sức đau xót.
Những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em cứ thế “lộ diện”, phơi bày. Những hành vi sai phạm cùng những đối tượng vi phạm đã và đang bị cơ quan chức năng xử lý, song vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương cùng các đơn vị liên quan đối với các cơ sở, mái ấm này như thế nào, trong khi đây là những nơi có thẩm quyền cấp phép, kiểm tra, quản lý? Liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng, đồng chí Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 12 cho biết, từ thời điểm mái ấm này thành lập (7/7/2023) đến nay, Ủy ban nhân dân Quận 12 đã chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra hai lần (tháng 11/2023 và tháng 4/2024); Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 12, Ủy ban nhân dân phường Trung Mỹ Tây cũng thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên Mái ấm Hoa Hồng.
Qua các lần kiểm tra và giám sát đều ghi nhận Mái ấm Hoa Hồng nuôi giữ 39 trẻ đúng theo nội dung giấy phép, không phát hiện sai phạm. Tuy nhiên trên thực tế, Mái ấm Hoa Hồng đã nuôi dạy trẻ vượt quá số lượng quy định. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố xác nhận, tại thời điểm kiểm tra, sau khi báo chí phanh phui sự việc tại đây có 85 trẻ đang được nuôi dưỡng (trong đó có 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi), hơn gấp đôi số lượng trẻ thời điểm đăng ký. Tại đây có 15 nhân viên làm việc.
Tổ chức rà soát tất cả cơ sở dân lập
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hiện toàn thành phố có 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập thực hiện tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 6.505 đối tượng bảo trợ xã hội và 64 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập có quyết định thành lập đã tiếp nhận quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 3.177 trường hợp. Trong đó, có 23 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp thành phố, 41 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp quận-huyện và thành phố Thủ Ðức.
Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập ba cấp quản lý đối với cơ sở trợ giúp xã hội. Cấp thành phố do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý; cấp quận-huyện-thành phố Thủ Ðức do Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý; cấp cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý. Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Lê Văn Thinh nhận định: “Trong sai phạm của Mái ấm Hoa Hồng, trách nhiệm của việc kiểm tra, giám sát thuộc các cơ quan chức năng Quận 12.
Cụ thể, qua thực tế khi kiểm tra số trẻ vượt nhiều so với giấy phép. Ngoài việc chủ mái ấm không tuân thủ quy định thì công tác kiểm tra, giám sát thuộc về chức trách của chính quyền địa phương. Do đó, chúng tôi sẽ yêu cầu Quận 12 nói riêng và các quận, huyện khác phải tăng cường công tác giám sát quá trình hoạt động đối với những cơ sở nuôi dạy trẻ mà chính địa phương đã cấp phép”.
Về công tác tuyển dụng người quản lý, chăm sóc trẻ, ông Nguyễn Hữu Tài, Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Ðức (thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) chia sẻ: Với đặc thù nuôi trẻ từ sơ sinh đến 16 tuổi cho nên chúng tôi bố trí thực hiện công việc theo ca kíp để bảo đảm thực hiện chăm sóc trẻ suốt 24 giờ trong ngày, vừa bảo đảm sức khỏe cho người lao động, vừa bảo đảm thực hiện tốt việc chăm sóc trẻ.
Trong môi trường giáo dục, nhất là giáo dục mầm non, ứng viên dự tuyển cần nắm được đặc thù, vì công việc này khá phức tạp, vất vả, đòi hỏi các bảo mẫu phải yêu nghề và có tâm với nghề, nhất là có tình yêu thương trẻ. Ðiều quan trọng nữa là, thường xuyên cập nhật kiến thức để chăm sóc trẻ được tốt.
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Lê Văn Thinh thông tin thêm, ngay trong ngày 5/9, Sở đã thành lập ba tổ công tác để tiến hành rà soát tất cả 63 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập đã được cấp phép. Sở cũng sẽ rà soát, kiểm tra 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập nhằm ngăn chặn những sai phạm tương tự có thể xảy ra. “Có thể khẳng định đây là một trong những tình huống không ai mong muốn, nhưng các vấn đề xã hội luôn tồn tại.
Tuy nhiên, ở góc độ quản lý nhà nước thì chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, giám sát tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội mà thành phố đã cấp phép, cũng như đối với các cơ sở không phép hoạt động không đúng quy định pháp luật, từ đó ngăn chặn các trường hợp tương tự có thể xảy ra”- ông Lê Văn Thinh khẳng định.
Tạm giữ hình sự bảo mẫu Mái ấm Hoa Hồng để phục vụ điều tra
Chiều 5/9, Công an Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị thực hiện tạm giữ hình sự về tội hành hạ người khác theo Ðiều 140 Bộ luật Hình sự đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, 46 tuổi, ngụ tỉnh Ðồng Nai, do liên quan đến hành vi hành hạ trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng.
Theo cơ quan chức năng, việc tạm giữ được thực hiện nhằm phục vụ công tác điều tra việc nhiều trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (Quận 12) bị đánh đập, bạo hành trong thời gian dài. Lý giải cho hành vi này, bà Cẩm khai với cơ quan chức năng, việc đánh đập nhằm để các bé sợ và không quấy khóc. Qua công tác kiểm tra, xác minh, các cơ quan chức năng cho biết, cơ sở có 5 bảo mẫu có hành vi hành hạ trẻ em. Hiện các đơn vị đang phối hợp để mời các bảo mẫu khác lên làm việc.