Ngày 19-10, Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay, để tập trung mọi lực lượng, phương tiện, lương thực thực phẩm... phục vụ cho công tác cứu hộ cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3, Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo lực lượng cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh tiếp tục thiết lập cầu đường thủy để khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm 15 nạn nhân còn lại do sạt lở đất trên công trường Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền).
Sáng 19-10, Công an Thừa Thiên Huế đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ, phương tiện tập trung vận chuyển 200 thùng mì tôm, 500kg gạo và nhiều nhu yếu phẩm, thuốc men, thiết bị máy móc cần thiết, nhiên liệu, công nhân lái xe múc, xe xúc đưa vào Thủy điện Rào Trăng 3.
Trước đó, trong thời tiết mưa lũ con diễn biến phức tạp, ngay trong chiều 18-10, Đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn Công an Thừa Thiên Huế phối hợp lực lượng công binh Quân khu 4 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiếp tục triển khai tìm kiếm cứu nạn 15 cán bộ công nhân còn mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3.
Trong những ngày, qua do tuyến đường bộ 71 đi vào Rào Trăng 3 bị sạt lỡ rất lớn và nhiều điểm, không thể đi lại được, do vậy việc cứu hộ cứu nạn được lực lượng Công an tỉnh triển khai bằng đường thủy và đã phát huy hiệu quả trong công tác cứu hộ cứu nạn cũng như cung cấp lương thực, thực phẩm cho cán bộ, công nhân.
Tại hiện trường, cho thấy lượng đất đá đổ xuống rất lớn ước tính hơn 30 nghìn m3, độ sâu từ từ 5 - 7m và có rất nhiều tảng đá có khối lượng lớn. Nhiều điểm do mưa to những ngày qua vẫn tiếp tục gây sạt lở, ảnh hưởng rất lớn đến công tác cứu hộ cứu nạn.
Lực lượng hai đơn vị tiếp tục phối hợp tìm kiếm, tuy nhiên do thời tiết về cuối ngày khá xấu, mưa to, cộng thêm mưa lớn trước đó khiến bùn đất khu vực sạt lở nhão nhoẹt gây ra rất nhiều khó khăn. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ dù kiểm tra nhiều địa điểm chung quanh Thủy điện Rào Trăng 3 nhưng vẫn không tìm thấy thêm người mất tích nào.
Qua tổng hợp các nguồn thông tin, bước đầu xác định hai điểm sạt lở làm sập nhà điều hành, lán trại vùi lấp 17 công nhân; trong đó, một điểm có 15 người, một điểm có hai người.
Trong ngày 19-10, Quân khu 4 cũng đã huy động thêm 500 người (gồm 300 người từ Quân khu 4 và 200 người của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế) tham gia công tác tìm kiếm.
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ mang theo lương thực, ở lại hiện trường dài ngày để tìm kiếm; triển khai phương án trinh sát, kiểm tra, đánh giá khu vực trên, tham mưu cho Ban Chỉ huy tiền phương có phương án phù hợp, hiệu quả, an toàn tìm kiếm người mất tích.
Do trận mưa lớn tối hôm trước khiến tuyến đường 71 từ xã Phong Xuân lên Thủy điện Rào Trăng 3 có thêm nhiều điểm sạt lở nên không thể đưa máy móc, phương tiện lên hai công trình thủy điện theo kế hoạch đã định.
Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, cầu đường thủy sẽ bắt đầu từ xã Hương Bình (thị xã Hương Trà) vượt qua lòng hồ Thủy điện Hương Bình đến đập Thủy điện Rào Trăng 4 để đến Thủy điện Rào Trăng 3. Hiện nay, cùng việc triển khai lực lượng cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung phối hợp lực lượng quân đội, tìm phương án tác chiến nhanh, hiệu quả, an toàn.
Được biết, Bộ Công an đã tăng cường thêm phương tiện đường thủy, gồm hai ca-nô công suất lớn, phục vụ công tác vận chuyển lực lượng, phương tiện và nhu yếu phẩm cũng như tìm kiếm cán bộ công nhân đang còn mất tích.
Trong những ngày tới, nếu thời tiết thuận lợi, Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn tỉnh sẽ đưa thêm phương tiện cơ giới, công nhân lái máy ủi máy xúc cùng lương thực, nước uống lên Thủy điện Rào Trăng 3, đẩy nhanh công tác tìm kiếm nạn nhân.