Kênh xáng Xẻo Rô dài khoảng 35km, nối từ dòng sông Cái Lớn đến dòng Trèm Trẹm và nằm dắt ngang vùng Miệt Thứ của tỉnh Kiên Giang. Kênh nằm song song và sát với Quốc lộ 63 hiện hữu, giao cắt với hơn 10 con kênh từ kênh Thứ Nhứt đến kênh Thứ Mười Một.
Dòng kênh này một thời gian dài là tuyến đường thủy quan trọng chuyên chở người và hàng hoá từ vùng Miệt Thứ ra huyện Châu Thành và TP Rạch Giá. Dù hiện nay giao thông đường bộ phát triển hơn, nhưng do tập tục, thói quen người dân vùng Miệt Thứ vẫn chuyên chở sản phẩm, hàng hóa bằng đường thủy nên kênh xáng Xẻo Rô vẫn tấp nập tàu thuyền.
Theo các cụ cao niên ở vùng đất này, kênh xáng Xẻo Rô được đào từ thời thực dân Pháp đô hộ nước ta. Chính quyền thực dân cho đào kênh nhằm khai thác tài nguyên đất đai và chuyển chở sản vật vơ vét được. Để thực hiện việc đào kênh, chính quyền phải huy động một lượng lớn lao động là những phu, tá trong vùng. Nhiều người đã phải nằm lại vì đói khát, bệnh tật và vì làm việc quá sức.
Tuy nhiên thời gian qua, nhiều đoạn trên tuyến kênh này rất nhiều công trình như nhà ở, quán cà-phê, cây xăng, điểm bán vật liệu xây dựng, bến hàng… đã mọc lên lên bên trên dòng kênh.
Một số công trình như nhà ở, quán xá, người lấn kênh chỉ xây cất nhà sàn bán kiên cố. Rất nhiều công trình làm hoành tráng, lấn dòng kênh đến hàng chục mét nước.
Không chỉ lấn, nhiều công trình còn lấp, thu hẹp dòng chảy của kênh. Một số công trình như cây xăng dầu, điểm bán vật liệu xây dựng, người lấn kênh cho xây dựng kè chắc chắn, đổ bê-tông liền một khối.
Hiện nay, có nhiều công trình lấn kênh hoàng tráng đang hối hả thi công.
Một vài người dân trong khu vực cho biết, việc lấn kênh không cần phải xin phép chính quyền địa phương. “Bởi trước nhà người nào người đó sử dụng”. “Mà có xin phép cũng chẳng ai cho”.
Theo tìm hiều của phóng viên, có nhiều công trình lấn kênh người thực hiện là cán bộ, công chức của các xã trên tuyến, có người là cán bộ, công chức của huyện An Biên, An Minh. Và việc những công trình lấn kênh Xẻo Rô thời gian gần đây và một số công trình đang thực hiện, hai cấp chính quyền ở huyện An Biên, An Minh đều biết.
Chẳng lẽ, những người có trách nhiệm nơi đây cho rằng, đó chỉ là “chuyện hàng ngày ở huyện”, nên thôi(?) Nếu vậy, chẳng lâu nữa, trên đường từ Xẻo Rô đến Thứ Mười Một người đi đường sẽ chẳng còn nhìn thấy con kênh đâu nữa, mà chỉ là nhà, cơ sở kinh doanh, bãi vật liệu(!)