Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết: Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị cho thấy, nước biển vẫn nằm trong giới hạn an toàn, bảo đảm nuôi trồng thủy sản. Nhưng để tránh tổn thất cho người nuôi tôm, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Giống thủy sản tỉnh thử nghiệm bơm trực tiếp nước biển vào hồ nuôi và thả nuôi tôm giống thẻ chân trắng theo dõi qua nhiều ngày, để đưa ra kết luận có thể tiếp tục bơm nước biển vào nuôi tôm được hay không.
Ngày 7-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị chọn ao nuôi rộng 1.000 m2 tại xã ven biển Vĩnh Quang (Vĩnh Linh), thả nuôi thí điểm 10.000 con giống tôm thẻ chân trắng. Thả tôm với mật độ 100 con/m2 và chăm sóc tôm theo đúng quy trình. Nước tại ao nuôi được dẫn trực tiếp từ ngoài biển vào và không qua bất kỳ một bước xử lý hóa học nào. Số tôm giống được thả ở đây mới 15 ngày tuổi. Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Trị cử cán bộ theo dõi và đưa ra kết luận sau 30 giờ và sau một tuần, hai tuần để có kết luận chính thức.
Sau một tuần thả nuôi tôm thí điểm, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Trị) Nguyễn Văn Huân cho biết: “Qua thời gian theo dõi từ 10 giờ ngày 7-5 đến ngày 13-5, thấy sức khỏe của tôm vẫn bình thường. Đến ngày 18-5, tức là sau 12 ngày thả giống tôm thẻ chân trắng nuôi thí điểm bằng nguồn nước biển được cho là bị ô nhiễm, có thể khẳng định, nước biển đã an toàn và người dân có thể nuôi tôm trở lại.
Anh Trần Quang Ba, ở xã Trung Giang (Gio Linh), có hơn mười năm nuôi tôm thẻ chân trắng theo dõi rất sát sao việc nuôi tôm thí điểm. Sau khi có kết luận dùng nước biển nuôi tôm được, gia đình anh đang chuẩn bị các bước, từ xử lý ao hồ, nguồn nước, chuẩn bị con giống để nuôi tôm trở lại. “Tôi đánh giá mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thí điểm này rất tốt. Tôm giống đang phát triển, vỏ tôm sáng, tôm đi theo đàn, kích thước của tôm có thay đổi so với khi mới thả" - anh Ba nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giang (Gio Linh) Dương Thị Xuân cho biết: “Hiện tại, có rất nhiều hộ đang nuôi tôm, cua, cá và người nuôi có nhu cầu lấy nước vào, đợi kết quả công bố chất lượng nước của các cơ quan chức năng, xem có độc tố hay không nhưng lâu quá. Theo tôi, mô hình thí điểm này là rất tốt, trong thời gian tới, nếu tôm vẫn sống và phát triển bình thường, chúng tôi sẽ khuyến cáo bà con tiến hành nuôi tôm bằng nước biển trở lại”.
Việc thí điểm mô hình nuôi tôm ở vùng nước biển bị nghi ngại không an toàn bước đầu đã thành công. Điều này sẽ giúp các hộ nuôi tôm dọc bờ biển Quảng Trị yên tâm hơn trong việc thả tôm giống cho vụ tới. Tuy nhiên, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản Nguyễn Văn Huân khuyến cáo: "Muốn nuôi tôm an toàn, trước hết các hộ nuôi tôm phải có hồ chứa lắng để xử lý bệnh tật và xử lý kim loại nặng, lúc đó môi trường mới an toàn, bảo đảm nuôi tôm”.
Được biết, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 1.000 ha nuôi tôm, trong đó có 370 ha tôm sú và 650 ha tôm thẻ chân trắng. Những tín hiệu tích cực từ mô hình nuôi tôm thí điểm này sẽ giúp các hộ dân sống ven biển yên tâm hơn, hy vọng có thể khôi phục diện tích nuôi trồng thủy, hải sản hiện có trong thời gian sớm nhất.