Đầu ra cho vận động viên tài năng

Vận động viên (VĐV) bơi hàng đầu Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên vừa gửi đơn xin thôi tập trung đội tuyển quốc gia để toàn tâm cho công việc học tập và cuộc sống bản thân. Đã có nhiều ý kiến về quyết định của Ánh Viên và mong ngành thể thao thể hiện trách nhiệm với VĐV. Tuy vậy, tìm một “đầu ra” phù hợp cho VĐV tài năng khi nghỉ thi đấu lại không dễ, nhất là làm sao để họ có thể phát huy được khả năng và tiếp tục đóng góp cho thể thao nước nhà.

Vận động viên Trần Thị Ánh Tuyết (thứ hai từ trái sang) giành Huy chương vàng hạng cân 53 kg môn Taekwondo tại SEA Games 30.
Vận động viên Trần Thị Ánh Tuyết (thứ hai từ trái sang) giành Huy chương vàng hạng cân 53 kg môn Taekwondo tại SEA Games 30.

Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn từng cho biết về trường hợp Ánh Viên: “Ngành thể thao và bộ môn bơi đầu tư tốt nhất trong khả năng đối với VĐV Ánh Viên chứ không hề bỏ rơi. Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đội tuyển bơi chưa có cơ hội tập huấn quốc tế, nhưng bộ môn bơi vẫn cố gắng tìm chuyên gia phù hợp để đến Việt Nam huấn luyện Ánh Viên.

Nếu em vẫn quyết định xin rời đội tuyển quốc gia thì đây là điều đáng tiếc cho ngành thể thao”. Về việc này, theo bố của Ánh Viên là ông Nguyễn Văn Tác, gia đình ủng hộ lựa chọn xin nghỉ đội tuyển quốc gia của con gái vì bây giờ, Ánh Viên cũng phải tính tới sự nghiệp học tập đại học và cuộc sống tương lai. Hiện tại, Ánh Viên đã 25 tuổi và đang mang quân hàm thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp.

Đầu ra cho vận động viên tài năng -0
  VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên góp công giúp bơi Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu Đông Nam Á.

Trong lịch sử môn bơi nói riêng, ngành thể thao đã thay đổi tư duy qua việc tập trung đầu tư, cử Ánh Viên và cựu huấn luyện viên (HLV) Đặng Anh Tuấn tập huấn dài hạn tại Mỹ, từ năm 2012 đến 2019. Với sự đầu tư ấy, Ánh Viên đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia số một về môn bơi tại đấu trường SEA Games (chỉ tính cá nhân Ánh Viên đã giành được 25 Huy chương vàng qua các lần tham dự). Ngoài ra, “kình ngư Việt Nam” còn liên tiếp giành chuẩn dự Giải bơi vô địch thế giới, góp mặt thi đấu tại ba kỳ Olympic liên tiếp các năm: 2012, 2016 và 2021.

Khi đặt câu hỏi với lãnh đạo ngành thể thao rằng, nếu Ánh Viên rời đội tuyển quốc gia thì trong tương lai liệu tuyển thủ còn được những đầu tư cho đi học chuyên sâu hơn về công tác huấn luyện để có thể trở thành một HLV bơi lúc đã giải nghệ hay không? Ông Trần Đức Phấn cho biết: “Ánh Viên đang là sinh viên tại Trường đại học Thể dục - Thể thao TP Hồ Chí Minh và ngành luôn rộng mở cơ hội cho VĐV được đi học các chương trình về chuyên môn huấn luyện thể thao ở nước ngoài. Nếu Ánh Viên hay bất kỳ VĐV nào đạt được khả năng ngoại ngữ có thể tiếp thu khi đi học và có chương trình học thì chúng tôi hoàn toàn tạo điều kiện. Tổng cục Thể dục - Thể thao có nhiều khóa học chuyên sâu thể thao hằng năm, nhưng để học ở nước ngoài thì khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh) được yêu cầu rất cao để làm sao hiểu được bài giảng, cho nên đây là một trong những điều mà VĐV chúng ta phải tích lũy tốt”.

Trong khi đó, cựu tuyển thủ bơi quốc gia Đỗ Huy Long chia sẻ: “Nếu đơn vị chủ quản tạo điều kiện cho những VĐV như Ánh Viên tham gia chương trình học làm HLV ở nước ngoài thì đây mới là đầu tư không bị ngắt quãng do đã có kinh nghiệm tập huấn quốc tế khi còn thi đấu. Chúng ta có VĐV dự Olympic, đã đạt thành tích khu vực và châu lục, thêm tấm bằng HLV thì không thua các chuyên gia, HLV của các nước bạn, trong khi lương thuê họ rất đắt, không dưới 15 nghìn USD/ tháng”.

Thể thao Việt Nam có nhiều trường hợp tuyển thủ khi giải nghệ đã chuyển sang làm HLV, còn không họ sẽ phải bươn trải với công việc khác. Những VĐV như: Trần Hiếu Ngân (taekwondo), Hoàng Anh Tuấn (cử tạ), Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ)... đã giành huy chương Olympic cho Việt Nam và chuyển sang làm huấn luyện, song sự xuất hiện của họ không nhiều. Người gần đây nhất nhận huy chương Olympic của thể thao Việt Nam là cựu lực sĩ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn từng được Ủy ban Olympic quốc tế và Liên đoàn cử tạ thế giới đôn thành tích, trao Huy chương đồng Olympic 2012 (do đối thủ xếp trên khi đó sử dụng chất cấm) đã bắt đầu huấn luyện VĐV trẻ ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, Quốc Toàn chưa được nhận suất biên chế ngành thể thao ở Đà Nẵng và vẫn là lao động ký hợp đồng.

Ngoài lương của công việc huấn luyện, thu nhập của Quốc Toàn phải trông thêm từ phòng tập thể hình của mình mở tại Hà Nội. Khi đã nghỉ thi đấu, cựu lực sĩ người Đà Nẵng chưa một lần được cơ hội cử học nâng cao về huấn luyện ở nước ngoài, cho nên đây là một thiệt thòi với cử tạ nói chung và cá nhân cựu tuyển thủ.

Biết là khó khăn, song việc tìm đầu ra khi các VĐV tài năng nghỉ thi đấu là điều ngành thể thao Việt Nam cần hết sức quan tâm. Không những giúp các VĐV có thể tiếp tục sự nghiệp, ổn định cuộc sống sau này mà cũng để họ và các thế hệ kế cận có thể yên tâm cống hiến, mang vinh quang về cho Tổ quốc.

BÍCH DIỆP