Sáng 6/4, theo Tiến sĩ, bác sĩ Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân 3 tuổi trong vụ tai nạn giao thông liên hoàn ở Xuân La-Võ Chí Công được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào chiều 5/4 trong tình trạng vỡ lá lách, thủng cơ hoành và chấn thương lồng ngực.
Ngay sau khi nhập viện, ê-kíp bác sĩ đã lập tức phẫu thuật cấp cứu, hồi sức tích cực cho cháu bé và chuyển lên phòng mổ.
Sau mổ, bệnh nhi được chuyển điều trị ở Phòng Ngoại hồi sức với các chỉ số sinh tồn giữ được. Hiện tại, trẻ được các bác sĩ theo dõi thêm chấn thương sọ não, chảy máu ổ bụng.
Tiến sĩ Cao Việt Tùng cho biết, về cơ bản phẫu thuật như vậy là ổn nhưng vẫn có thể có những diễn biến khác nên chưa thể nói trước được. Ít nhất cần theo dõi trong vòng 24 giờ tới để xác định chấn thương sọ não có nặng lên không, sau đó mới có thể tiên lượng cụ thể.
Ngoài cháu bé 3 tuổi, Bệnh viện Nhi Trung ương còn tiếp nhận một nạn nhân của vụ tai nạn giao thông này là một trẻ 14 tuổi bị gãy tay, đã được bó bột, sức khỏe ổn định.
Vụ tai nạn giao thông liên hoàn ở Xuân La-Võ Chí Công đã khiến 17 người bị thương.
Trong số 14 nạn nhân được đưa đến Bệnh viện E cấp cứu, đến sáng nay, hiện còn 9 bệnh nhân đang theo dõi và điều trị tại Bệnh viện E (5 ca bị xây xước nhẹ, sau khi bác sĩ xử lý đã được về nhà), trong đó có 2 ca nặng.
Bệnh nhân còn lại trong vụ tai nạn giao thông đang điều trị tại Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 sức khỏe hiện đã ổn định.
Sáng nay, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã ký công văn hỏa tốc gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị tập trung mọi nguồn lực, thuốc men, trang thiết bị y tế để khẩn trương cứu chữa kịp thời các trường hợp nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, giảm thiểu những thiệt hại do vụ tai nạn.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành chức năng của UBND Thành phố Hà Nội và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong công tác ứng phó thảm họa.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương cứu chữa, điều trị người bị nạn và đề xuất các ý kiến, kiến nghị với Bộ Y tế nhằm bảo đảm tốt nhất cho công tác cấp cứu tai nạn giao thông; phối hợp chuyên môn với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên hoặc chuyển tuyến kịp thời.