Thêm tín hiệu tích cực từ kinh tế toàn cầu

Kinh tế thế giới đã đón nhận thêm những thông tin tích cực khi Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đã vượt ngưỡng 50 điểm; lạm phát "hạ nhiệt" và mây đen đã bớt u ám với các nền kinh tế châu Âu, trong khi triển vọng kinh tế Mỹ tiếp tục sáng sủa hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Báo cáo mới nhất do Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 30/9 cho thấy hoạt động tại các nhà máy ở nước này đã tăng lần đầu tiên trong sáu tháng.

Chỉ số PMI của lĩnh vực chế tạo Trung Quốc đã tăng từ 49,7 điểm trong tháng 8 lên 50,2 điểm trong tháng 9, cao hơn mức 50 điểm được giới chuyên gia dự báo trước đó.

Theo đó, Chỉ số PMI của lĩnh vực chế tạo Trung Quốc đã tăng từ 49,7 điểm trong tháng 8 lên 50,2 điểm trong tháng 9, cao hơn mức 50 điểm được giới chuyên gia dự báo trước đó. Ngoài các số liệu trên, các dữ liệu ngắn hạn bao gồm chi tiêu của người tiêu dùng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh cũng được kỳ vọng tạo động lực cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Kỳ nghỉ "Tuần lễ vàng" của nước này đã bắt đầu vào ngày 29/9 và truyền thông Trung Quốc cho biết lượng hành khách đi lại bằng đường sắt trong ngày đầu của kỳ nghỉ nói trên đã đạt 20 triệu lượt - một kỷ lục tính theo ngày và cũng là khởi đầu lạc quan cho cả nền kinh tế.

Trong khi đó, một nền kinh tế lớn khác của châu Á là Hàn Quốc cũng đã xuất hiện tín hiệu phục hồi tích cực.

Theo Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của S&P Global Market Intelligence, ông Rajiv Biswas, kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 1,4% trong năm nay. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương nước này (BoK) được cho là sẽ hạ lãi suất hai lần trong năm tới. BoK đã tăng lãi suất bảy lần liên tiếp kể từ tháng 4/2022 đến tháng 1/2023 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Liên quan đến xuất khẩu, giới phân tích cho rằng dù kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ gây sức ép lên xuất khẩu của Hàn Quốc, nhưng đà giảm của xuất khẩu sẽ được hạn chế nhờ sự phục hồi nhu cầu chip của các nước khác.

Các nền kinh tế lớn của châu Âu cũng xuất hiện tín hiệu phục hồi tích cực hơn trong những tuần gần đây. Số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết kinh tế Xứ sở sương mù tính đến cuối quý II năm nay đã tăng trưởng hơn 1,8% so với mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong khi đó, mức tăng trưởng tương ứng của kinh tế Pháp là 1,7% và Đức là 0,2%.

Hồi tháng 8, ONS ước tính tăng trưởng kinh tế của Anh chỉ ở mức 0,2% so với mức hồi cuối năm 2019. ONS đã điều chỉnh đánh giá về nền kinh tế Anh trong 3 tháng đầu năm nay, theo đó GDP của Anh tăng 0,3% so với ước tính trước đó là 0,1%. Đánh giá này được đưa ra sau khi dữ liệu riêng được công bố vào đầu tháng này cho thấy nền kinh tế Anh suy giảm ít hơn và phục hồi nhanh sau thời kỳ đại dịch.

Ngày 29/9, Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết lạm phát trong tháng 9 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong 2 năm qua.

Một yếu tố đáng chú ý khác là lạm phát tại châu Âu đã "hạ nhiệt" và đang giảm rõ rệt. Ngày 29/9, Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết lạm phát trong tháng 9 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong 2 năm qua. Theo Eurostat, giá tiêu dùng của Eurozone đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Thông số này thấp hơn mức dự báo 4,5% mà nhiều chuyên gia phân tích đưa ra. Trước đó, lạm phát từng đạt đỉnh tại Eurozone ở mức 10,6% vào tháng 10/2022, gây quan ngại sâu sắc trên toàn Lục địa già.

Trong khi đó, triển vọng kinh tế Mỹ cũng đã sáng sủa hơn. Kể từ sau cuộc họp gần đây nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hồi tháng 7, tỷ lệ lạm phát tiếp tục giảm, trong khi tăng trưởng dù chưa cao nhưng ổn định và vững chắc, thị trường việc làm khởi sắc. Tỷ lệ lạm phát lõi trong hai tháng 6 và 7, không tính giá thực phẩm và năng lượng vốn biến động, ở mức thấp nhất trong gần 2 năm. Nhiều chuyên gia nhận định diễn biến nền kinh tế Mỹ hiện nay là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách của FED thêm một lần "rà phanh" lãi suất.

Tuy nhiên, dù các tín hiệu tích cực đã xuất hiện nhiều hơn, song các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đối mặt nhiều thách thức.

Tại Trung Quốc, đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục sụt giảm do khủng hoảng đe dọa triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Trong tháng 8, giá nhà mới tại Trung Quốc giảm với tốc độ nhanh nhất trong 10 tháng và đầu tư bất động sản giảm tháng thứ 18 liên tiếp. Trong khi đó, nguy cơ lạm phát "nóng" trở lại đang đe dọa hầu hết các nền kinh tế trên toàn cầu khi giá dầu tăng mạnh trong quý vừa qua và giá gạo đã tăng phi mã. Chốt phiên giao dịch ngày 27/9 tại thị trường New York, giá dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 năm qua. Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 11 tăng 3,6%, lên 93,68 USD/thùng khi các nhà giao dịch dầu mỏ bắt đầu cân nhắc mức giá 100 USD.

Trong khi đó, giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm sau khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và điều kiện thời tiết bất lợi làm giảm nguồn cung lương thực thiết yếu của châu Á.

Những tín hiệu nêu trên cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023 đã dần được loại trừ. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, bức tranh kinh tế của thế giới vẫn đang xen nhiều mảng màu tối. Trong bối cảnh đó, kích cầu để tạo động lực phục hồi tăng trưởng và hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức quốc tế, các quốc gia để điều chỉnh chính sách tài chính, chống lạm phát, ngăn giá dầu, giá lương thực tăng phi mã… vẫn là những việc cần làm ngay.