Chuyên gia kỳ vọng Trung Quốc có biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ

Trong bối cảnh lo ngại gia tăng về cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, các nhà kinh tế đang kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn để ổn định thị trường bất động sản và phục hồi nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Một công trình xây dựng của Tập đoàn Bất động sản Evergrande ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, năm 2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một công trình xây dựng của Tập đoàn Bất động sản Evergrande ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, năm 2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng tin Reuters dự đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng Trung ương) sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) vào ngày 21/8.

Trước đó, PBoC đã thông báo sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ và tối ưu hóa các chính sách bất động sản.

Ngày 15/8, PBoC quyết định hạ lãi suất với công cụ cho vay trung hạn (MLF) từ 2,65% xuống 2,5%. MLF là khoản vay mà PBoC cấp cho một số tổ chức tín dụng đáp ứng tiêu chuẩn của cơ quan này. Việc hạ lãi suất nhằm giúp duy trì thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng.

Tuy vậy, trước những diễn biến của cuộc khủng hoảng bất động sản và rủi ro lây lan đối với hệ thống tài chính, các nhà kinh tế cho rằng các nhà hoạch định chính sách nước này cần hành động quyết liệt hơn.

Evergrande, nhà phát triển bất động sản đang gánh "núi nợ" khổng lồ của Trung Quốc, ngày 17/8 đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ theo Chương 15 luật phá sản của Mỹ.

Trong đơn xin bảo hộ phá sản nộp lên tòa án quận Manhattan, Evergrande cho biết muốn được công nhận quá trình đàm phán về tái cơ cấu đang diễn ra tại Hong Kong (Trung Quốc), Quần đảo Cayman và Quần đảo Virgin thuộc Anh.

Từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, Evergrande đã là tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ lớn chưa từng có trong lĩnh vực bất động sản đất nước.

Sau Evergrande, một loạt công ty phát triển bất động sản khác của Trung Quốc cũng vỡ nợ, để lại những ngôi nhà chưa hoàn thiện và các nhà cung cấp chưa được thanh toán nợ. Điều này đã làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nền kinh tế Trung Quốc vốn đã tăng trưởng chậm lại do nhu cầu trong nước và nước ngoài ảm đạm, hoạt động sản xuất đình trệ và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay, nhưng ngày càng nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng nước này có thể không đạt được mục tiêu, trừ khi giới chức nước này tăng cường các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Kể từ giữa năm 2021, số công ty vỡ nợ chiếm 40% doanh số bán nhà ở Trung Quốc, trong đó hầu hết là các nhà phát triển bất động sản tư nhân.

Giám đốc điều hành của Công ty Quản lý Tài sản Winner Zone Asset Management, ông Alan Luk mô tả rằng lĩnh vực bất động sản Trung Quốc giống như một hố đen, rất nhiều nhà phát triển đã bị kéo vào đó sau Evergrande. Chính phủ vẫn chưa đưa ra các biện pháp hiệu quả vì đây là hố đen quá lớn không thể lấp đầy.

Đến nay, phạm vi hỗ trợ mà Trung Quốc đưa ra chủ yếu tập trung vào thị trường tài chính, với Cơ quan Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) ngày 18/8 thông báo một loạt sáng kiến nhằm tiếp thêm sinh lực cho thị trường vốn và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư.

Các biện pháp bao gồm giảm phí giao dịch chứng khoán, hạ thấp ngưỡng quy định khi đăng ký quỹ đầu tư chỉ số và thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư cổ phiếu.

Có thể thấy, núi nợ mà các biện pháp kích thích kinh tế hào phóng trước đây để lại là một vấn đề không nhỏ. Đây được coi là lý do khiến các nhà hoạch định chính sách cẩn trọng khi đưa ra các chính sách kích thích kinh tế vào thời điểm này.