Thêm nhiều quốc gia ban bố hạn chế đi lại do biến thể Omicron

NDO -

Sau khi Anh thông báo hạn chế đi lại đối với một số quốc gia châu Phi do sự xuất hiện của biến thể mới, nhiều nước trên thế giới cũng đưa ra quyết định tương tự. WHO khuyến nghị các quốc gia không nên vội vàng áp đặt hạn chế đi lại liên quan đến biến thể Omicron.

Bảng điện tử báo hoãn chuyến bay từ sân bay quốc tế O.R. Tambo (Johannesburg, Nam Phi) tới London - Heathrow (Anh), ngày 26/11. (Ảnh: Reuters)
Bảng điện tử báo hoãn chuyến bay từ sân bay quốc tế O.R. Tambo (Johannesburg, Nam Phi) tới London - Heathrow (Anh), ngày 26/11. (Ảnh: Reuters)

Giới chức y tế Hà Lan cho biết, 61 hành khách trên 2 chuyến bay cất cánh từ Nam Phi tới thủ đô Amsterdam ngày 26/11 đã dương tính với Covid-19. Hà Lan sẽ làm thêm xét nghiệm để xác định những hành khách này có nhiễm biến thể Omicron hay không. Trước đó cùng ngày, Chính phủ Hà Lan đã cấm tất cả các chuyến bay đến từ khu vực miền nam châu Phi. 

Bắt đầu từ tháng 12/2021, Thái Lan sẽ cấm du khách từ 8 nước châu Phi (gồm: Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe) nhập cảnh. Từ ngày 27/11, Thái Lan sẽ không cho phép du khách từ những nước nêu trên đăng ký tới quốc gia châu Á này.

Sri Lanka thông báo từ tuần tới sẽ không cho phép du khách từ Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho và Eswatini tới nước này. Những du khách đến từ 6 nước vừa nêu tới Sri Lanka trong 2 ngày qua sẽ phải cách ly 14 ngày. 

Từ 24 giờ ngày 26/11 (theo giờ địa phương), Nhật Bản cũng siết chặt biên giới đối với người đến từ 6 nước tại "lục địa đen" (gồm: Nam Phi, Eswatini, Zimbabwe, Namibia, Botswana và Lesotho). Nếu muốn nhập cảnh vào Nhật Bản, người đến từ những quốc gia này phải trải qua 10 ngày cách ly tại các sơ cở do chính quyền quyết định.

Thêm nhiều quốc gia ban bố hạn chế đi lại do sự xuất hiện của biến thể Omicron -0

Sân bay quốc tế Tokyo (Nhật Bản) vắng vẻ trong thời gian dịch bệnh hoành hành. (Ảnh: Reuters)

Ngày 26/11, Canada thông báo cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đã đi qua các quốc gia miền nam châu Phi trong vòng 14 ngày qua.   

Cùng ngày, Brazil thông báo sẽ đóng cửa biên giới đối với các du khách tới từ Nam Phi, Eswatini, Lesotho, Namibia, Botswana và Zimbabwe do lo ngại biến thể mới Omicron.

Từ ngày 29/11, Mỹ sẽ cấm du khách từ Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi tới nước này. Theo nhận định của các chuyên gia, biện pháp hạn chế đi lại không thể ngăn chặn biến thể mới xâm nhập, nhưng sẽ giúp nhà chức trách và các công ty dược phẩm có thời gian để đánh giá các loại vaccine hiện nay có phòng ngừa biến thể mới hay không. 

Phản ứng của Nam Phi

Sau khi Anh và một số quốc gia cấm chuyến bay từ một số quốc gia Nam Phi để ngăn chặn biến thể mới lây lan, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết tại một cuộc họp báo, nước này đang hành động một cách minh bạch. Ông cho rằng các lệnh cấm đi lại đi ngược lại tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã điện đàm ngay trong ngày 26/11, trong đó thảo luận về cách thức mở lại hoạt động đi lại quốc tế.

"Mối quan tâm của chúng tôi ngay lúc này là thiệt hại mà quyết định này gây ra đối với cả ngành du lịch và kinh doanh của 2 quốc gia", Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor cho biết trong một thông cáo. Tổng thống Ramaphosa sẽ triệu tập hội đồng cố vấn trong ngày 28/11 để đánh giá biến thể mới. 

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch Covid-19 tại châu Phi với gần 3 triệu ca mắc và hơn 89.000 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát. Tuần trước số ca mắc mới tại Nam Phi bắt đầu tăng trở lại sau một thời gian lắng dịu sau khi hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ ba.

Với khoảng 35% dân số đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19, Nam Phi là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn phần lớn các quốc gia châu Phi khác, nhưng đến nay chỉ đạt 50% mục tiêu Chính phủ đặt ra vào cuối năm 2021.

Khuyến cáo của WHO

WHO ngày 26/11 khuyến nghị các quốc gia không nên vội vàng áp đặt hạn chế đi lại liên quan đến biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 và nên có cách tiếp cận "khoa học và căn cứ vào nguy cơ". 

Trong cuộc họp cùng ngày, WHO đã xếp B.1.1.529 vào biến thể đáng quan ngại. Người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier cho biết cần vài tuần để hiểu về tác động của biến thể mới. Các nhà khoa học đang làm việc để xác định khả năng lây lan của biến thể này cũng như mức độ ảnh hưởng của nó đối với phương pháp điều trị và các loại vaccine ngừa Covid-19. 

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới