Làng Phan, xã Hưng Tân (huyện Hưng Nguyên) là tên gọi sau sáp nhập Xóm 8 và Xóm 9 vào năm 2019. Sau ba năm, nhà văn hóa, khu thể thao làng Phan được khánh thành. Công trình được xây dựng khang trang và đầy đủ các hạng mục, như: Sân khấu, phòng họp, bàn ghế, hệ thống loa truyền thanh, điện chiếu sáng cùng khu thể thao có sân bóng chuyền, cầu lông, sân bóng đá mi-ni và được trang bị các dụng cụ bảo đảm hoạt động tập luyện thể dục-thể thao của người dân.
Từ khi đi vào hoạt động, nhà văn hóa, khu thể thao đã trở thành địa điểm hội họp và sinh hoạt của các câu lạc bộ văn nghệ quần chúng, thể dục thể thao, góp phần mở rộng và phát triển phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tạo dựng nếp sống văn hóa nơi thôn quê. Đây cũng là địa chỉ gìn giữ, bảo tồn và quảng bá giá trị di sản dân ca ví, giặm của các câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh làng Phan.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hưng Tân Phan Đăng Minh cho biết: Làng Phan có 260 hộ gia đình với hơn 900 người. Trước đây, mỗi xóm có một nhà văn hóa. Sau sáp nhập, nhà văn hóa làng Phan được đầu tư xây mới theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tổng giá trị công trình 2,6 tỷ đồng, trong đó, xã vận động người dân địa phương và huy động nguồn vốn đóng góp xã hội hóa gần 300 triệu đồng để hoàn thiện nội thất và các trang thiết bị.
Thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, khơi dậy và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, tập luyện thể thao, đồng thời quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa đã giúp làng Phan liên tục nhiều năm đạt thành tích “thôn trắng” về tệ nạn xã hội. Nhân dân đoàn kết, tham gia tích cực các hoạt động phong trào, chỉnh trang quang cảnh nông thôn yên bình, xanh, sạch, đẹp. Hiện nay, Hưng Tân là một trong 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Nghệ An và có nhiều mô hình nổi bật, kiểu mẫu như: Tiếng kẻng bình yên, Xã điển hình về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Đưa chúng tôi đến tham quan Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Nam Đàn, giới thiệu nhà thi đấu thể thao gồm các hạng mục: Sân chơi cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn và mới bổ sung sân pickleball, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Vương Hồng Thái cho biết: “Trong quá trình phát triển, huyện chú trọng phát huy công năng các thiết chế văn hóa.
Các thiết chế văn hóa, thể thao của huyện được đầu tư đồng bộ, đáp ứng các nhiệm vụ chính trị, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và phát triển kinh tế-xã hội. Thành quả này có được từ sự huy động mọi nguồn lực, từ nhân dân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, vấn đề còn khó khăn là kinh phí dành cho việc tu sửa, nâng cấp và mua sắm các trang thiết bị cũng như phương tiện phục vụ tuyên truyền đồng bộ, xứng tầm với huyện nông thôn mới kiểu mẫu”.
Đồng chí Vương Hồng Thái cho biết, hiện huyện đang rà soát sửa chữa, nâng cấp những thiết chế đã xuống cấp, cụ thể như tu sửa một số hạng mục trong các nhà thi đấu thể thao được sử dụng từ năm 2013 đến nay. Do có những hạn chế về nguồn lực, lãnh đạo huyện mong muốn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao, hệ thống âm thanh, ánh sáng, trang thiết bị bên trong nhà văn hóa đáp ứng các hoạt động hoặc cho thay mới xe tuyên truyền lưu động được cấp từ năm 2005 để phục vụ công tác tuyên truyền.
Thời gian tới, huyện Nam Đàn tiếp tục hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, trong đó đầu tư dụng cụ thể thao ngoài trời để người dân tham gia rèn luyện, thành lập thêm các câu lạc bộ thể thao bóng bàn, bóng đá và pickleball; bố trí ngân sách, tiếp tục xây dựng cảnh quan quanh khu vực đồng bộ cũng như xây mới các nhà văn hóa đủ điều kiện, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở ở cấp xóm.
Việc quy hoạch, dành quỹ đất và huy động các nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao ở Nghệ An đã tạo nền tảng vững chắc trong xây dựng phong trào văn hóa, thể thao cơ sở, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An) Đặng Thị Phương Lan chia sẻ: Với địa bàn hoạt động văn hóa cơ sở rộng, nhiều năm qua, Nghệ An luôn xác định tập trung xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao gắn với đẩy mạnh xây dựng các mô hình văn hóa tiêu biểu.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã tập trung ban hành các đề án, chính sách liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, quản lý quy hoạch hệ thống đất cho cơ sở văn hóa, thể thao từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, các thôn, bản, nhất là các thôn sau sáp nhập. Tỉnh cũng đã ban hành hai chính sách: Hỗ trợ đầu tư cho nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; hỗ trợ phát triển đời sống văn hóa cơ sở. Trên cơ sở thực tiễn phong trào, mỗi mô hình văn hóa tiêu biểu được tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhiều địa phương trong xây dựng đời sống văn hóa.