Thêm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hợp tác Việt-Nga

NDO - Ngày 15/5, tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội-Moskva ở thủ đô Moskva, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga tổ chức Hội thảo “Các biện pháp tháo gỡ khó khăn, trở ngại trong hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Nga trong điều kiện mới”, với sự tham dự của đông đảo đại diện các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu hai nước.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: THANH THỂ)
Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: THANH THỂ)

Nhận diện khó khăn

Tại hội thảo, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga nhấn mạnh, Việt Nam và Nga có truyền thống hợp tác hữu nghị lâu đời. Năm 2015, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu ký Hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế-thương mại Việt-Nga phát triển mạnh mẽ.

Theo thống kê của Nga, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga năm 2021 đạt 7,1 tỷ USD. Do tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt mà phương tây nhằm vào Nga, giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Nga năm 2022 chỉ đạt khoảng 3,6 tỷ USD. Trong các tháng đầu năm 2023, thương mại song phương Việt-Nga phục hồi chậm; 4 tháng đầu năm đạt 1,01 tỷ USD, giảm 36,4% so cùng kỳ năm 2022.

Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam sang Nga 4 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng khá so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, cà-phê tăng 56%, sản phẩm cao su tăng 5,7 lần, sản phẩm may mặc tăng 52,3%, hạt điều tăng 19%...

Phát biểu trực tuyến tại hội thảo, Đại diện Thương mại Nga tại Việt Nam Vyacheslav Kharinov nêu rõ, nền tảng hợp tác tin cậy Nga-Việt do các thế hệ nhân dân Liên Xô (trước đây), Nga (ngày nay) và Việt Nam dày công tạo dựng hàng chục năm qua đã tạo cơ sở để hai bên tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Theo ông Kharinov, trong những năm gần đây, tình hình quốc tế khó khăn ảnh hưởng quan hệ kinh tế thương mại Nga-Việt. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2022, Nga và Việt Nam phải đối mặt nhiều vấn đề liên quan hậu cần, vận tải, thanh toán song phương.

Thêm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hợp tác Việt-Nga ảnh 1

Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu tham dự. (Ảnh: THANH THỂ)

Ông Trần Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) cho biết, doanh nghiệp đang gặp tình trạng ách tắc hàng hóa ở cửa khẩu giữa Trung Quốc và Nga, khiến khối lượng vận tải hàng hóa Việt Nam sang Nga bị hạn chế. Bên cạnh đó, đại diện Ratraco cũng nêu rõ những khó khăn trong việc thanh toán. Phía công ty đã nhiều lần họp cùng các đối tác, song vẫn chưa tìm ra giải pháp cụ thể.

Về thủy hải sản, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, việc xử lý và cấp phép bổ sung cơ sở chế biến thủy sản được xuất khẩu vào Nga vẫn còn chậm. Phía Việt Nam vẫn chờ phía Nga phản hồi về đề nghị chấp thuận bổ sung các cơ sở mới, cũng như xem xét dỡ bỏ đình chỉ đối với các doanh nghiệp đã gửi báo cáo giải trình và rà soát lại các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.

Ông Anatoly Gafitulin, Phó Tổng Giám đốc Công ty hàng không Irkutsk (IrAero) vui mừng thông báo kế hoạch bay thẳng Irkutsk-Hà Nội từ ngày 4/6 tới, song vẫn nhấn mạnh doanh nghiệp hai nước còn gặp nhiều khó khăn về thanh toán. IrAero đang nghiên cứu các đường bay giữa các thành phố phía đông của Nga và Nha Trang (Việt Nam), đồng thời hy vọng cả phía Nga và Việt Nam sẽ đẩy nhanh vấn đề cấp phép cho các chuyến bay.

Kiến nghị giải pháp

Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga Dương Hoàng Minh, để kim ngạch thương mại song phương tăng mạnh, doanh nghiệp Việt Nam và Nga cần tận dụng tốt hơn các lợi thế và cơ hội để tăng cường đầu tư, sản xuất hàng hóa tại thị trường của nhau.

Thêm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hợp tác Việt-Nga ảnh 2

Nhiều giải pháp được đưa ra trong hội thảo. (Ảnh: THANH THỂ)

Cụ thể, theo ông Dương Hoàng Minh, các doanh nghiệp Nga cần vận dụng ưu đãi do các FTA mang lại, trong đó có các ưu đãi từ FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, tăng cường đầu tư sản xuất tại Việt Nam các sản phẩm mà Nga có thế mạnh để xuất khẩu sang các thị trường khác mà Việt Nam đã ký FTA.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, cần nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư vào Nga trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản, may mặc, sản phẩm đồ gỗ... Trước mắt, các doanh nghiệp cần tăng cường xúc tiến thương mại, tham gia các triển lãm chuyên ngành tại mỗi nước.

Ông Nikita Kondratiev, lãnh đạo Vụ Hợp tác kinh tế đa phương và các dự án đặc biệt (Bộ Phát triển kinh tế Nga) đánh giá cao hợp tác Nga-Việt, đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo ông Kondratiev, các công ty Nga bày tỏ quan tâm hợp tác với phía Việt Nam. Bộ Phát triển kinh tế Nga đang nỗ lực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương với các đối tác Việt Nam. Phía Nga cũng đang làm việc cùng các ban, ngành, công ty Việt Nam để loại bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan, hỗ trợ các sáng kiến trong thiết lập quan hệ kinh doanh.

Đại sứ quán Việt Nam tại Nga sẵn sàng phối hợp cơ quan chức năng và doanh nghiệp hai nước tổ chức các hội thảo, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, các sáng kiến nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga tiếp tục phát triển mạnh mẽ thời gian tới.

Cũng theo ông Kondratiev, Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu sang Nga nhiều mặt hàng, như đồ điện tử, điện thoại, máy tính, tivi, linh kiện ô-tô, nội thất, quần áo, giày dép. Du lịch cũng là lĩnh vực hợp tác quan trọng. Việt Nam là một trong những điểm đến yêu thích của du khách Nga.

Đại diện Bộ Phát triển kinh tế Nga nhấn mạnh, thời gian qua, hai nước đã tích cực thảo luận tháo gỡ vướng mắc và đã đạt được một số kết quả tích cực. Đơn cử là tập đoàn vận tải FESCO năm 2022 mở tuyến đường vận tải biển trực tiếp mới từ Vladivostok (Viễn Đông, Nga) đến các cảng của Việt Nam, hay công ty TransContainer tổ chức vận chuyển hàng bằng đường sắt từ Việt Nam sang Nga.

Cũng theo ông Kondratiev, việc thiếu thông tin về nhau là một trong những trở ngại chính trong việc triển khai các dự án hợp tác mới. Cả Nga và Việt Nam đang nỗ lực khắc phục khó khăn này.

Thêm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hợp tác Việt-Nga ảnh 3

Hội thảo diễn ra cả trực tiếp và trực tuyến. (Ảnh: THANH THỂ)

Tại hội thảo, Đại diện Thương mại Nga tại Việt Nam Vyacheslav Kharinov kêu gọi các cơ quan và tổ chức của hai nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến thúc đẩy hợp tác Nga-Việt. Trong tình hình hiện nay, cần tập trung phát triển các lĩnh vực hợp tác thương mại và công nghiệp có nhiều triển vọng mà các bên cùng quan tâm.

Theo ông Kharinov, Nga cần tăng nguồn cung trực tiếp sản phẩm gỗ và nông nghiệp sang Việt Nam, cũng như thiết bị năng lượng. Hai bên cũng cần phát triển hợp tác để tạo ra các liên doanh, thúc đẩy các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng, thông tin, công nghệ vũ trụ…

Cũng tại hội thảo, đại diện doanh nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam và Nga cần tiếp tục đa dạng hóa hệ thống ngân hàng để tìm cách tháo gỡ khó khăn thanh toán.

Đại sứ quán tiếp tục là cầu nối

Phát biểu tổng kết hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi nhấn mạnh, hợp tác giữa Việt Nam và Nga đang đứng trước những thách thức lớn, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn. Dù hai nước không ngừng nỗ lực, kim ngạch thương mại song phương vẫn giảm mạnh. Nhiều dự án đầu tư khó triển khai.

Theo Đại sứ, không chỉ các doanh nghiệp, mà các cơ quan quản lý hai nước hiểu rõ những vấn đề hiện nay. Kim ngạch thương mại song phương giảm, song giá trị nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Nga sang Việt Nam tăng, chứng tỏ trong khó khăn vẫn chứa nhiều cơ hội.

Thêm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hợp tác Việt-Nga ảnh 4

Đại sứ Đặng Minh Khôi phát biểu ý kiến tại hội thảo. (Ảnh: THANH THỂ)

Tổng kết hội thảo, Đại sứ Đặng Minh Khôi liệt kê những vấn đề lớn trong hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Nga mà hai nước cần nỗ lực giải quyết. Trước hết, các bộ, ngành hai nước cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cơ chế hợp tác thương mại song phương. Về thanh quyết toán, Đại sứ mong muốn Bộ Phát triển kinh tế Nga, Ngân hàng Trung ương Nga phối hợp phía Việt Nam sớm tìm ra giải pháp.

Đại sứ cũng đề nghị hai bên tích cực hợp tác, giải quyết vướng mắc về khâu đi lại của người dân, trong đó có vấn đề cấp thị thực. Cũng theo Đại sứ, Việt Nam và Nga cần tăng cường công tác đào tạo nhân lực biết tiếng Việt, tiếng Nga, cũng như thúc đẩy hơn nữa giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Nhấn mạnh thời điểm hiện nay là cơ hội tốt đẩy mạnh đầu tư tại Nga, Đại sứ đề nghị Bộ Phát triển kinh tế Nga tham mưu cho chính phủ tạo điều kiện thuận lợi và các ưu đãi cho doanh nghiệp Việt Nam. Đại sứ Đặng Minh Khôi khẳng định, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga sẵn sàng phối hợp cơ quan chức năng và doanh nghiệp hai nước tổ chức các hội thảo, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, các sáng kiến nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga tiếp tục phát triển mạnh mẽ thời gian tới.