Ngoài mục tiêu kết nối trực tiếp với Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, công trình góp phần giảm ùn tắc cho các tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh hiện hữu cũng như cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
Vượt tiến độ ba tháng, người dân tái định cư tại chỗ
Rồ máy chiếc xe hai bánh chạy qua hầm chui Trần Quốc Hoàn vẫn còn mùi sơn trong ngày thông xe, anh Nguyễn Văn Danh, nhà nằm trên tuyến đường Phan Thúc Duyện phấn khởi cho hay: Có hầm chui, việc đi lại rất thuận tiện vì hướng lưu thông ra đường Cộng Hòa tiện hơn, rút ngắn một đoạn đường. Trước đây, xe cộ phải chen chúc đi đến vòng xoay Lăng Cha Cả rồi mới rẽ sang Cộng Hòa đi về quận Tân Bình, Quận 12.
Nếu công trình hoàn thiện sớm thì hàng nghìn phương tiện có thể ra vào sân bay theo tuyến đường mới, giảm ùn ứ cho khu vực chung quanh sân bay. Chị Thu Thanh, chủ quán tạp hóa trên đường Trần Quốc Hoàn cho biết, gần hai năm qua, việc thi công ngổn ngang, đào xới và bụi bặm đã ảnh hưởng đến sinh hoạt. Giờ công trình đã hình thành, tuyến đường kết nối vào sân bay đã hiện rõ.
Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn-đường Cộng Hòa, quận Tân Bình là dự án trọng điểm quốc gia, được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4135/QĐ-UBND ngày 8/12/2021 và cùng khởi công với dự án xây dựng Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất ngày 24/12/2022. Dự án có tổng mức đầu tư 4.848 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 2.412 tỷ đồng, chi phí xây lắp 1.500 tỷ đồng cùng các chi phí khác).
Dự án có mục tiêu xây dựng một tuyến đường mới nối đường Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa, kết nối trực tiếp với Nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất, với điểm đầu tại vị trí giao đường Trần Quốc Hoàn-đường Phan Thúc Duyện; điểm cuối tại vị trí giao đường C12-đường Cộng Hòa-đường Trường Chinh với tổng chiều dài 4 km, mặt cắt ngang 6 làn xe.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Gói thầu số 9-hầm chui Trần Quốc Hoàn đã hoàn thành vượt tiến độ ba tháng so với kế hoạch đề ra. Hai hầm chui tại nút giao đường Phan Thúc Duyện-đường Trần Quốc Hoàn có tổng chiều dài 400m, mặt cắt ngang 9m (2 làn xe).
Trên tuyến có hạng mục cầu vượt tại khu vực trước Nhà ga T3 với tổng chiều dài 988m, mặt cắt ngang 17m (4 làn xe). Theo ông Phúc, sau khi thông xe, toàn bộ đường hầm và phần đường đến giao lộ Thăng Long sẽ được đưa vào khai thác, phục vụ người dân thành phố. Từ đó, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, xung đột giao thông ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Phúc cũng đánh giá, gói thầu xây dựng hầm chui trong đô thị với điều kiện địa chất phức tạp, có nhiều mạch nước ngầm, thi công trong khu vực cửa ngõ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với mật độ giao thông dày đặc và phải bảo đảm vừa thi công, vừa duy trì giao thông liên tục. Ngoài ra, tất cả 34 hộ dân phải giải tỏa toàn bộ phục vụ thi công dự án sẽ được bố trí tái định cư tại chỗ dọc theo tuyến đường mới với mong muốn người dân sẽ có điều kiện sống tốt hơn sau tái định cư.
Hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm
Cùng với việc hoàn thành, thông xe gói thầu số 9, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố cùng các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công các gói thầu còn lại của dự án đã cùng nhau phát động đợt thi đua 130 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành thông xe toàn bộ tuyến đường vào 31/12/2024, sẵn sàng phục vụ Nhà ga T3 khi đưa vào khai thác vào tháng 4/2025.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố, bên cạnh việc hoàn thành và thông xe gói thầu số 9 của dự án đường nối Trần Quốc Hoàn-Cộng Hòa, ban sẽ cùng các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, các quận, huyện, sở, ngành và ngành giao thông thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “3 ca 4 kíp” để tiếp tục hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ người dân thành phố khoảng 15 gói thầu, dự án trong 5 tháng cuối năm 2024.
Đơn cử như: Cầu Phước Long, cầu Rạch Đỉa, cầu Bà Hom, cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Tân Kỳ Tân Quý, hầm HC2, hầm HC1 (Nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ-Nguyễn Văn Linh), cầu Giồng Ông Tố 2, hầm HC1 (dự án xây dựng nút giao thông An Phú). Các tuyến đường huyết mạch cũng được phấn đấu hoàn thành trong năm nay như đường Tên Lửa, Hoàng Hoa Thám, Tân Kỳ Tân Quý, đường song hành Quốc Lộ 50, đường Dương Quảng Hàm…
Đồng thời trình chủ trương đầu tư 5 dự án BOT cửa ngõ, dự án cầu Cần Giờ, dự án cầu Thủ Thiêm 4, dự án vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh trong quý IV/2024 và khởi công các dự án xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái, dự án vành đai 2 Thành phố Hồ Chí Minh (đoạn 1, đoạn 2), dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài trong quý I và quý II/2025.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố cùng ngành giao thông thành phố sẽ tiếp tục nhân rộng, phát triển cách tiếp cận cùng các giải pháp đã triển khai trong dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn-đường Cộng Hòa cho các dự án giao thông trong thời gian tới để hệ thống giao thông Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tươi đẹp, xanh, sạch, nhân văn,…