Nhìn lại Ðại hội thể thao Ðông - Nam Á - SEA Games 27

Thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu nhưng còn nhiều nỗi lo

Ðại hội thể thao Ðông - Nam Á - SEA Games 27 tổ chức tại Mi-an-ma đã kết thúc. Ðoàn thể thao Việt Nam xuất sắc đạt mục tiêu xếp thứ ba toàn đoàn khi giành được 73 HCV, 86 HCB và 86 HCÐ, vượt chỉ tiêu ba HCV. Tuy nhiên, cùng với thành công, cũng còn đó nhiều nỗi lo về những hạn chế, yếu kém của thể thao Việt Nam và của khu vực.

Không bảo vệ được ngôi vô địch, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam nuối tiếc nhận Huy chương bạc SEA Games 27.
Không bảo vệ được ngôi vô địch, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam nuối tiếc nhận Huy chương bạc SEA Games 27.

Thành tích của đoàn thể thao Việt Nam là không thể phủ nhận nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo về thành tích của các bộ môn Ô-lim-pích, đặc biệt là bóng đá. Những trăn trở về một nền thể thao phát triển bền vững và có thực lực vẫn đang đè nặng lên vai các nhà làm thể thao nước nhà. Thể thao Việt Nam cần thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và cần mạnh mẽ làm mới mình để vươn lên trong tương lai không chỉ ở đấu trường SEA Games mà còn ở các sân chơi rộng lớn hơn của châu lục và thế giới.

Niềm vui chưa trọn ở các môn thể thao trọng điểm

Có thể nói, việc đầu tư dàn trải để chạy đua thành tích từ lâu đã bị coi là điểm chưa được của ngành thể thao nước nhà. Tuy nhiên, sự điều chỉnh trong thời gian gần đây cho thấy một khía cạnh mới hơn khi thể thao Việt Nam bắt đầu chú trọng tới các môn thể thao Ô-lim-pích tại SEA Games 27. Bằng chứng là việc những môn thi đấu trọng điểm như bơi lội, điền kinh, vật... đều đạt được sự thăng tiến đáng kể về huy chương. Ðiền kinh Việt Nam đã lần đầu cán mốc mười HCV tại một kỳ đại hội thể thao Ðông - Nam Á cũng như vươn lên đứng thứ hai sau Thái-lan trong khu vực. Bơi lội cũng đạt được thành tích nổi bật với năm HCV cùng hai kỷ lục SEA Games thuộc về kình ngư trẻ đầy triển vọng Ánh Viên. Trong khi đó, vật - môn thể thao Ô-lim-pích lâu đời cũng vinh danh các vận động viên Việt Nam khi mười lần bước lên bục vinh quang và khẳng định rõ ngôi vị thống trị của chúng ta tại đấu trường khu vực. Rồi cử tạ xướng tên Thạch Kim Tuấn với hai kỷ lục mới, Nguyễn Văn Vinh ở môn bắn súng giành được ba HCV...

Mặc dù vậy, nhìn về chiều sâu, để phát huy thành công này trong tương lai ở những đấu trường lớn hơn như của châu lục và thế giới, ngành thể thao phải có ngay chiến lược, mục tiêu cụ thể. Trong số các môn thể thao Ô-lim-pích diễn ra ở SEA Games 27, Việt Nam chỉ có thành tích xếp đầu ở hai bộ môn bắn súng và vật còn lại đều chấp nhận đứng sau Thái-lan ở môn tê-cuôn-đô, giu-đô, đua canoeing hoặc In-đô-nê-xi-a ở đua thuyền rowing... Ðiền kinh và bơi lội của chúng ta dù đã có những bất ngờ về sự tiến bộ nhưng về mặt bằng chung vẫn còn thua kém rất nhiều so với hai quốc gia hàng đầu khu vực là Xin-ga-po và Thái-lan. Nguyên nhân không khó nhận ra khi sự bứt lên của các quốc gia khác đang khiến chúng ta phải ngỡ ngàng. Trong khi hầu hết họ đều có những nội dung thế mạnh được tập trung đầu tư đặc biệt nhằm hướng tới sân chơi đẳng cấp lớn hơn thì Việt Nam đến giờ vẫn chưa thể xác định được nội dung nào sẽ có HCV ở đấu trường châu Á. Tại kỳ Asian Games cách đây ba năm, Việt Nam ngậm ngùi xếp sau rất xa các đoàn Thái-lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Phi-li-pin và thậm chí cả Mi-an-ma với việc chỉ có được vỏn vẹn một HCV ở môn ka-ra-tê-đô. Theo nhận định của các chuyên gia, hiện thực này sẽ khó được cải thiện ở Asian Games tới khi mà trong toàn bộ 73 tấm HCV ở SEA Games 27, chỉ riêng nội dung 200 m của Vũ Thị Hương là có chỉ số vượt thành tích HCV ASIAD 2010. Còn lại ở hầu hết các nội dung trọng điểm trong các môn có thể vươn ra khu vực như: tê-cuôn-đô, ka-ra-tê-đô, vật, điền kinh, bơi, bắn súng, rowing, u-su, cầu mây, quyền anh... Việt Nam chỉ đứng trong nhóm tranh chấp huy chương châu lục và cơ hội chiến thắng rất mơ hồ. Như vậy, thành tích chúng ta đang thật sự đạt được có giá trị thế nào thì vẫn còn là một câu hỏi lớn cần lời giải đáp?

Thất vọng bóng đá

Ðược kỳ vọng nhiều nhưng bóng đá luôn đem lại thất vọng lớn. Quả thật vậy, người hâm mộ Việt Nam phải chứng kiến một thành tích kém cỏi ở hầu hết các bộ môn bóng, đặc biệt là bóng đá. Ðây là nhóm môn thu hút sự chú ý nhưng Việt Nam chỉ giành được duy nhất một HCV ở môn bi-a xnốc-cơ mà môn này lại không có mặt ở bất kỳ đấu trường lớn nào ngoài SEA Games. Trong khi đó, bóng chuyền, cầu mây, cầu lông... vẫn dậm chân tại chỗ và không đem lại một niềm vui nào dù rất được chờ đón. Tuy nhiên, tâm điểm thất vọng chính là bóng đá khi U23 Việt Nam một lần nữa lỡ hẹn HCV khi bị loại ngay ở vòng bảng, đội tuyển bóng đá nữ bị mất "ngôi hậu" khi để thua trong trận chung kết. Hai đội tuyển bóng đá trong nhà (Futsal) ra quân rầm rộ nhưng rồi cũng chịu những thất bại nặng nề. Và ba trong số thất bại đó các đội tuyển bóng đá Việt Nam đều phải ngả mũ trước Thái-lan, quốc gia đã độc chiếm vinh quang môn bóng đá tại kỳ đại hội này. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Bóng đá nam Việt Nam liên tục thất bại bẽ bàng tại đấu trường châu lục trong vòng hai năm qua ở AFF Cup 2012 hay SEA Games 2013 cho thấy sự yếu kém của toàn bộ bộ máy, sự thiếu hiệu quả trong khâu đào tạo trẻ và phải chăng yếu tố quản lý có phần vô trách nhiệm đã đem tới những hệ quả tất yếu như hiện nay, đặc biệt là quãng thời gian chuẩn bị và diễn ra SEA Games 27. Ai cũng biết vụ lùm xùm về việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hời hợt trong khâu tuyển chọn huấn luyện viên cho đội tuyển U23 để rồi đưa ra một quyết định đầy hoài nghi cho HLV Hoàng Văn Phúc, cả về trình độ lẫn kinh nghiệm. Chưa kể đến quyết định tạm đình chỉ rồi lại khôi phục chức HLV của ông khiến dư luận "lắc đầu ngao ngán" tại giải giao hữu tiền SEA Games 27, làm các cầu thủ thêm rệu rã và suy yếu về tinh thần. Ðã vậy, trước ngày ra quân, người đứng đầu VFF "bỗng nhiên" rút lui... Những trận đấu cho thấy nỗ lực của thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc nhưng lực bất tòng tâm, khả năng không thể được bù bằng sự cố gắng nhất thời. Thất bại không khó đoán nhưng điều tạo ra thất bại đó thật khiến người yêu bóng đá nước nhà phải buồn lòng.

Tuy nhiên, thất bại ở SEA Games 2013 cũng là một bài học lớn để bóng đá Việt Nam rút ra được kinh nghiệm, để thấy chúng ta phải làm gì. Bóng đá nam cần một chiến lược mới, một bộ máy quản lý mới khi VFF đã được cải tổ. Bóng đá nữ vốn có thực lực và được chứng minh qua những lần chinh chiến thành công. Tuy nhiên, thất bại trước đội tuyển bóng đá nữ Thái-lan trong trận chung kết SEA Games 27 chính là hồi chuông cảnh báo cho đội nữ Việt Nam trong chiến dịch giành vé đến World Cup 2015. Chúng ta cần xem lại chiến lược đầu tư tập huấn khi đối thủ trực tiếp Thái-lan đang có sự tiến bộ không ngừng do được tôi luyện tại Nhật Bản, cường quốc bóng đá nữ hàng đầu châu Á. Ðã đến lúc, đội tuyển bóng đá nữ phải được quan tâm mạnh mẽ hơn, được đi đào tạo, rèn giũa trong môi trường bóng đá hiện đại, nền tư duy chiến thuật mới thay vì mải mê ở "ao làng" đến lúc đánh mất chính mình lúc nào không hay. Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi một luồng gió mới sau chính thất bại ê chề tại SEA Games lần này.

Ðiểm tối trọng tài của thể thao khu vực

Ðại hội thể thao Ðông - Nam Á SEA Games 27 đã kết thúc, ngoài quyết tâm thi đấu hết mình vì tinh thần thể thao cao thượng cùng những thành tích đáng ngưỡng mộ của các vận động viên thì vẫn phảng phất sự chưa hài lòng đối với công tác chuyên môn của các trọng tài. Từ những ngày đầu thi đấu ở SEA Games 27 đến khi kết thúc, đã không ít lần người hâm mộ thể thao phải chứng kiến những quyết định sai lầm của các trọng tài, trong đó, đoàn thể thao Việt Nam là một trong những "nạn nhân" chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Ðặc biệt ở các môn võ khi điểm chấm của các trọng tài đều mang tính chủ quan nhưng lại có quyền quyết định. Hầu như tất cả nội dung thi về võ, thế mạnh của đoàn Việt Nam đều ít nhất một lần bị trọng tài xử ép từ u-su đến ka-ra-tê-đô, quyền anh, pen-cát xi-lát... Ðã vậy, cả đến bơi lội rồi điền kinh trong suốt hơn mười ngày thi đấu tại SEA Games 27 dường như ngày nào cũng gặp "sự cố trọng tài"...

Ðành rằng, sai lầm mắc phải của các trọng tài trong thể thao là một điều khó tránh khỏi nhưng không nên coi nhẹ và vô tình tạo thành một "tiền lệ hay gặp phải" tại kỳ đại hội thể thao lớn nhất khu vực như SEA Games. Cách hành xử sai hoặc thiên vị của các trọng tài không chỉ gây sức ép tâm lý nặng nề lên các vận động viên tranh tài, mà còn đang làm mất đi giá trị đích thực của các cuộc thi đấu thể thao. Hy vọng vào SEA Games 28 tại Xin-ga-po, một đất nước trẻ và hiện đại, những nỗi lo về trọng tài sẽ được gạt bỏ để các vận động viên có thể thoải mái, tự tin trình diễn khả năng và quyết tâm vươn tới đỉnh cao hơn nữa.

Tuy có những điểm tối, song phải thấy rõ nỗ lực của nước chủ nhà và Ban tổ chức đã mang lại một kỳ đại hội an toàn và tương đối thành công trong công tác tổ chức thi đấu và hậu cần cho các đoàn trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang gặp nhiều khó khăn, nhất là khi Mi-an-ma mới mở cửa hội nhập. Ðể chuẩn bị cho đại hội, nước bạn đã dành sự quan tâm đặc biệt để có được một cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật tương đối đầy đủ trong một khoảng thời gian khá ngắn như hai khu liên hợp thể thao quốc gia tại thủ đô Nay Pyi Taw, mỗi khu có đầy đủ sân vận động, cung thể thao dưới nước và cụm nhà thi đấu vệ tinh, trong đó có hai nhà thi đấu từ ba nghìn đến năm nghìn chỗ.

Nhìn chung, Mi-an-ma đã tổ chức một kỳ SEA Games thành công và đây là những bài học kinh nghiệm để Việt Nam có thể áp dụng trong công tác chuẩn bị hướng tới Ðại hội thể thao biển châu Á năm 2016 và Ðại hội thể thao châu Á năm 2019 mà chúng ta đăng cai.