Theo báo cáo năm 2024 của Công ty tư vấn Bain & Company, thế hệ Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012) sẽ chiếm gần 1/3 tổng giá trị mua sắm xa xỉ phẩm vào năm 2030, trong khi thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981 đến 1996) sẽ chiếm hơn một nửa tổng các giao dịch.
Đặc biệt, Công ty dịch vụ tài chính Piper Sandler cho rằng thế hệ Gen Z dự kiến sẽ trở thành thế hệ lớn nhất, giàu có nhất, có khả năng thúc đẩy doanh số bán hàng xa xỉ trong các ngành bán lẻ, du lịch và công nghệ.
Ông Jason Dorsey, nhà nghiên cứu thế hệ Gen Z, nhận định Gen Z dường như là thế hệ mới nổi nhất trong lĩnh vực xa xỉ vì họ đang bước vào tuổi trưởng thành.
Cuộc chơi mới của các thương hiệu xa xỉ
Dù sức mua hiện tại của nhóm tuổi này vẫn thấp hơn các nhóm khác, nhưng sẽ tăng theo thời gian. Do đó, các thương hiệu xa xỉ phẩm nên kết nối với thế hệ này càng sớm càng tốt để tận dụng cơ hội phát triển.
Sự thay đổi về nhân khẩu học của người tiêu dùng xa xỉ có thể đặt ra những thách thức mới cho các thương hiệu.
Với việc khảo sát 2.203 người trưởng thành tại Mỹ, nhà phân tích Claire Tassin tại công ty nghiên cứu thị trường Morning Consult, phát hiện người tiêu dùng xa xỉ hiện tại có nhu cầu cao về những sản phẩm tinh xảo, trải nghiệm du lịch hạng nhất và các bữa ăn với nguyên liệu quý hiếm.
Khảo sát cho thấy chất lượng là yếu tố quan trọng nhất trong trải nghiệm mua sắm xa xỉ. Bà Tassin chỉ ra rằng người tiêu dùng không phải lúc nào cũng thấy các giao dịch mua sắm xa xỉ xứng đáng với chi phí, nhưng khi họ cảm thấy xứng đáng, chất lượng là yếu tố quyết định.
Bà bày tỏ lo ngại về các thương hiệu chỉ dựa vào danh tiếng của mình, vì thế hệ Gen Z không trung thành với thương hiệu như các thế hệ lớn tuổi hơn.
Theo nghiên cứu của McKinsey, hơn 50% người tiêu dùng thế hệ Gen Z ở Mỹ và Anh sẵn sàng thay đổi thương hiệu yêu thích nếu họ tìm thấy một lựa chọn khác rẻ hơn hoặc chất lượng cao hơn.
Theo bà Tassin, việc theo đuổi xu hướng trong khi vẫn duy trì được bản sắc là điều rất khó đối với các thương hiệu xa xỉ.
Bain & Company cho rằng với việc chi tiêu cho hàng xa xỉ dự kiến sẽ tăng từ khoảng 1.500 tỷ euro (1.670 tỷ USD) hiện tại lên 2.500 tỷ euro (2.790 tỷ USD) vào năm 2030, các thương hiệu cần phải cân bằng tốt hơn.