"Người Gen Z" làm báo cho Gen Z

Có thể nói, thế hệ Gen Z đang tham gia tích cực, và thổi những làn gió thời đại mới vào nền báo chí nước nhà. Ðể thu hút bạn đọc thế hệ trẻ, các tòa soạn cần tạo cơ hội và tận dụng triệt để nguồn sinh lực tươi tắn này.
0:00 / 0:00
0:00
Kênh Tiktok của TNM.
Kênh Tiktok của TNM.

Những casestudy điển hình

Cách xác định độ tuổi chính xác của Gen Z trên thực tế vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Hiện, số đông đồng ý và thiên về định nghĩa: Gen Z là thế hệ sinh từ năm 1996-2015. Bên cạnh đó, một nhóm số đông khác cũng thống nhất: Gen Z là thế hệ sinh ra trong thời đại mạng xã hội- những người sinh ra cùng thời với internet, và lớn lên cùng các mạng xã hội.

Trưởng thành trong thời đại hậu thông tin, Gen Z nghiễm nhiên trở thành nhóm người tiêu dùng truyền thông lớn nhất hiện nay. Theo báo cáo tin tức kỹ thuật số của Reuters công bố năm 2022 về "Vai trò của truyền thông xã hội trong các hành vi tin tức của thanh niên", có đến 39% số người dùng trong độ tuổi từ 18-24 sử dụng mạng xã hội là nguồn chính để tìm đọc tin tức. Do đó, phương thức tiếp cận bạn đọc trẻ của các tòa soạn báo trên toàn thế giới đều đang thay đổi.

Trực thuộc Công ty sản xuất truyền hình ITN có trụ sở tại London (Anh), hai nhà báo kỳ cựu Will Lewis (nhà sản xuất từng làm cho Tạp chí Phố Wall) và Kamal Ahmed (cựu giám đốc bộ phận biên tập của BBC) đã tập hợp, dẫn dắt và trao cơ hội cho nhóm hơn 20 phóng viên, mang tên The News Movement. Đây chắc chắn là phòng tin tức thời sự có độ tuổi trung bình trẻ nhất Xứ sở Sương mù. Họ tập trung sản xuất tin tức để đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay, như: TikTok, Instagram, Facebook, X,

Bộ phận sáng tạo nội dung của họ có tên The Collective. Các thành viên của nhóm đến từ nhiều nền tảng biên tập và sáng tạo khác nhau, nhưng có chung mục đích: Kể những câu chuyện thời sự, xã hội theo cách hấp dẫn hơn. Là Gen Z nên thấu hiểu Gen Z, đội ngũ của The New Movement chỉ tập trung khai thác các chủ đề mà chính họ quan tâm, như nhà trọ, chi phí sinh hoạt, hóa đơn, sức khỏe, bình đẳng giới,…

Không chỉ vậy, trên nền tảng TikTok, việc quảng bá thương hiệu tòa soạn cũng trở nên dễ dàng hơn. Connor Matteson, phụ trách thông tin đa phương tiện, cho biết: "Mọi người đều thích thú với những cảnh hậu trường trong trường quay. Tôi nghĩ đó là một cách hay để tiếp cận bạn đọc, giúp phóng viên, biên tập viên gần gũi hơn với người xem!".

Lựa chọn cách làm tương tự và khá thành công ngay tại Việt Nam, có thể kể đến kênh TikTok Gia đình Truyền hình của đôi vợ chồng biên tập viên trẻ Mạnh Cường và Hương Giang (được biết "chàng" hiện công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, còn "nàng" đang "cống hiến" cho Kênh Truyền hình Quốc phòng). Tuy những chia sẻ của cả hai không đại diện cho bất cứ tòa soạn hay đơn vị nào, nhưng vô tình những đoạn phim ngắn chia sẻ về công việc của gia đình nhỏ ấy lại khiến khán giả hứng thú và quan tâm hơn đến báo chí.

Đặc biệt, một tòa soạn hội tụ nhiều thế hệ cùng làm việc đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, trong việc mở rộng đối tượng và đến gần hơn với bạn đọc ở nhiều thế hệ.

Tiêu biểu, phải kể đến sự lan tỏa mạnh mẽ của ấn phẩm đặc biệt do Báo Nhân Dân phát hành ngày 7/5/2024, với tám trang thông tin, gồm bốn trang in toàn bộ bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ", bốn trang tóm tắt diễn tiến 56 ngày đêm chiến dịch dưới dạng nhật ký, nằm trong Đợt tuyên truyền cao điểm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Chiến dịch Truyền thông Triển lãm tranh tương tác Panorama. Ấn phẩm được bạn đọc cả nước "săn lùng", khoe "chiến tích" khi được sở hữu, viral trên khắp các nền tảng.

Để đạt được thành công đó, ít ai biết đây là thành quả lao động của cả một tập thể với nhiều phòng ban khác nhau, đặc biệt trong đó còn có sự giao thoa, kết hợp chặt chẽ giữa phóng viên của nhiều thế hệ. Một trong những thành viên nòng cốt của dự án là nhà báo trẻ Thi Uyên sinh năm 1995 (tiệm cận thế hệ Gen Z). Chia sẻ trong Lễ tổng kết Ngày Đổi mới sáng tạo Báo Nhân Dân lần thứ 3, 2023-2024, Thi Uyên vô cùng xúc động và tự hào khi được đồng hành và làm việc cùng các bậc đồng nghiệp tiền bối giàu kinh nghiệm, nhưng cũng không ngại lắng nghe, chia sẻ của lớp trẻ, sẵn sàng chấp nhận những thử thách mới mẻ.

"Người Gen Z" làm báo cho Gen Z ảnh 1
Nhóm phóng viên đa thế hệ của The News Movement.

Con đường dài trước mặt

Hiệu quả của một tòa soạn hội tụ nhiều thế hệ là hiển nhiên, thế nhưng để hiện thực hóa và vận hành tốt mô hình đó lại không hề đơn giản.

Một thực tế hiện nay nhiều sinh viên ngành báo chí đang gặp phải, đó là: Khó tìm được tòa soạn uy tín chấp nhận tuyển dụng phóng viên mới ra trường. Bạn Trần Khánh Linh (sinh viên ngành báo chí, tốt nghiệp năm 2024) tâm sự: "Học ngành báo nên em hy vọng ra trường có thể ứng tuyển tại các tòa soạn, thế nhưng cơ hội dành cho chúng em rất ít. Thí dụ, gần đây nhất, em biết Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cần tuyển biên tập viên, nhưng số lượng vị trí tuyển dụng chỉ có một, mức độ cạnh tranh thật sự rất khốc liệt". Gặp phải rào cản tương tự, nhiều bạn học của Linh lựa chọn ứng tuyển làm truyền thông cho các công ty agency.

Cùng đề cập đến vấn đề này, PGS, TS Phạm Mạnh Hà (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng nhấn mạnh: "Nhiều sinh viên báo chí mới năm thứ hai đại học, khi thấy có cơ hội việc làm truyền thông ở các công ty quảng cáo, đã dễ dàng từ bỏ việc học, bởi họ nghĩ rằng: Kể cả có bằng chính quy, sau này cũng khó xin được việc làm với mức lương hay cơ hội lớn hơn!". Thực tế đó là không thể phủ nhận.

Hơn hết, Gen Z cũng là thế hệ sẵn sàng khám phá những cơ hội mới để học tập và trưởng thành, thời gian gắn bó với một vị trí công việc trung bình chỉ khoảng ba năm. Họ có nhu cầu dịch chuyển cao, giữa nhiều quốc gia, vùng miền, hoặc nhiều phòng ban, vị trí việc làm…, để có được trải nghiệm phong phú. Bởi vậy, họ vô cùng hy vọng và mong muốn được làm việc trong các môi trường cởi mở, được lãnh đạo lắng nghe và hướng dẫn, cho họ nhiều mục tiêu để nỗ lực và cống hiến. Song, ngược lại, đối với người tuyển dụng thuộc các thế hệ trước, những đặc tính của thế hệ Gen Z lại có phần xung đột với nhu cầu ổn định, bền vững, lâu dài… của mọi cơ quan, tổ chức.

Nhưng dù sao, trong xu hướng "trẻ hóa" tất yếu, điều quan trọng vẫn là tạo cơ hội và tin tưởng vào thế hệ phóng viên Gen Z. Như chia sẻ đầy tâm huyết của Phó Chủ tịch điều hành đơn vị nghiên cứu thị trường Borrel Associates tại Mỹ, ông Corey Elliot: "Gen Z thấu hiểu thế hệ của họ, đồng thời họ có thể học hỏi về công việc sản xuất tin tức cũng như tinh thần liêm chính của báo chí từ các thế hệ đi trước. Nên xét cho cùng, tất cả đều có lợi!".