Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, sự kiện dân số thế giới đạt mốc 8 tỷ người là một dịp để tôn vinh những tiến bộ về y tế khi ngày càng nhiều người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vaccine, thuốc trị bệnh… Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các quốc gia và tổ chức quốc tế trong thời gian qua đã đem lại nhiều thành tựu.
Tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em giảm đáng kể. Tuổi thọ trung bình của người dân kéo dài và dự kiến tăng lên 77,2 năm vào năm 2050. Mặc dù tốc độ tăng dân số hằng năm giảm, song nhờ tuổi thọ và số người trong độ tuổi sinh nở tăng, dân số thế giới dự kiến cán mốc khoảng 8,5 tỷ người vào năm 2030, 9,7 tỷ người năm 2050 và đạt mức cao nhất 10,4 tỷ người năm 2080.
Bên cạnh những thành tựu, mốc dân số 8 tỷ người cũng đặt ra nhiều thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường, cũng như việc bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân. Theo Liên hợp quốc, một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự gia tăng dân số toàn cầu là tuổi thọ tăng. Tỷ lệ người trên 65 tuổi dự kiến tăng từ 10% năm 2022 lên 16% vào năm 2050.
Tuy nhiên, mức sinh giảm mạnh, từ trung bình 5 con/phụ nữ năm 1950, xuống dự kiến chỉ còn 2,1 con/phụ nữ vào năm 2050. Tuổi thọ tăng trong khi mức sinh giảm đã dẫn đến xu hướng già hóa dân số. Gánh nặng dân số già không chỉ kéo theo tình trạng thiếu lao động, mà còn đặt ra bài toán khó về duy trì hệ thống lương hưu, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Tốc độ tăng dân số thế giới hiện không phân bổ đồng đều giữa các khu vực. Hơn 50% dân số tăng lên vào năm 2050 dự kiến tập trung tại 8 quốc gia là CHDC Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania. Theo Liên hợp quốc, khi dân số toàn cầu tăng từ 7 tỷ lên 8 tỷ người, khoảng 70% dân số tăng thêm sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp. Một số nhà phân tích cho rằng, tốc độ tăng dân số nhanh phần nào gây ảnh hưởng nỗ lực của các nước trong bảo đảm chất lượng cuộc sống, sức khỏe, giáo dục, việc làm… cho người dân.
Chào đón công dân thứ 8 tỷ của Trái đất là dịp đánh giá lại những thách thức mà nhân loại phải vượt qua để không ai bị bỏ lại phía sau. Thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng đa tầng. Xung đột tại nhiều khu vực, những thảm họa khí hậu, sự thiếu hụt lòng tin, chia rẽ, bất đồng, đói nghèo, bất bình đẳng, nạn phân biệt đối xử và cơn bão giá năng lượng, lương thực khiến lộ trình tiến tới các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc ngày càng xa vời.
Tổng Giám đốc Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner nhận định, hàng loạt cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử đe dọa đảo ngược sự tiến bộ của loài người cũng như kéo lùi các chỉ số phát triển con người.
Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số nhanh chóng cũng tạo sức ép đối với môi trường. Theo Liên hợp quốc, trong giai đoạn 1970-2020, trong khi dân số thế giới tăng gấp đôi thì các quần thể động vật hoang dã toàn cầu giảm 2/3. Từ năm 1990 đến nay, khoảng 420 triệu ha rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng và diện tích rừng nguyên sinh trên toàn thế giới giảm hơn 80 triệu ha.
Vì vậy, con số 8 tỷ người không chỉ là lời nhắc nhở thế giới về nỗ lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho tất cả người dân, mà còn là trách nhiệm bảo vệ môi trường, hành tinh chung.
Giám đốc điều hành Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Natalia Kanem (N.Ca-nem) từng khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng cột mốc 8 tỷ người vẫn là câu chuyện về thành công. 8 tỷ người không đơn thuần là một con số, mà chính là cơ hội. Khi tất cả người dân được hưởng cuộc sống khỏe mạnh, được trao quyền và cơ hội, nhân loại sẽ có chiếc chìa khóa vạn năng để khai phá tiềm năng của tất cả mọi người, từ đó giải quyết những thách thức đang đe dọa xã hội và các vấn đề toàn cầu khác.