Thế giới ghi nhận trên 9,4 triệu ca nhiễm Covid-19 trong tuần cuối cùng năm 2021

NDO -

Ngay trước thềm năm mới 2022, làn sóng lây nhiễm kép của biến chủng Delta và Omicron tiếp tục lây lan mạnh trên toàn cầu, khiến thế giới ghi nhận tới hơn 1 triệu ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày trong tuần cuối cùng của năm 2021.

Xét nghiệm Covid-19 lưu động ở Paris, Pháp, ngày 31/12/2021. (Ảnh: REUTERS)
Xét nghiệm Covid-19 lưu động ở Paris, Pháp, ngày 31/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 15 phút sáng 3/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 290.632.072 ca mắc Covid-19 và 5.460.301 ca tử vong. Số ca hồi phục là 254.529.158 ca, trong khi vẫn còn 30.642.613 bệnh nhân đang phải điều trị.

Chỉ tính riêng trong tuần cuối cùng trước khi bước sang năm mới 2022, toàn thế giới ghi nhận trên 9,4 triệu ca bệnh, tăng 59% so với tuần trước. Trong đó, châu Đại Dương tăng mạnh nhất (162.856 ca, tăng 212%), tiếp đó là Nam Mỹ (435.367 ca, tăng 172%), châu Âu (4.885.665 ca, tăng 59%), Bắc Mỹ (2.876.079, 57%), và châu Á tăng 50%, với 755.105 ca mắc mới.

Điều đó cho thấy tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Ngoài tâm dịch châu Âu, dịch bệnh đang lây lan trở lại tại nhiều khu vực khác trước làn sóng tấn công từ biến thể Delta và đặc biệt là biến chủng mới Omicron.

Thế giới ghi nhận trên 9,4 triệu ca nhiễm Covid-19 trong tuần cuối cùng năm 2021 -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG

Riêng châu Âu đã chiếm tới 51,8% số ca nhiễm mới toàn cầu trong tuần qua, với 17 trong số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ vượt kỷ lục trước đó về số ca nhiễm cao nhất. Trong đó, chuỗi 4 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 200 nghìn ca bệnh đã khiến Pháp chính thức trở thành quốc gia thứ sáu trên thế giới vượt mốc hơn 10 triệu ca nhiễm Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, cùng Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Anh và Nga.

Số ca nhiễm trung bình trong 7 ngày qua tại Pháp đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay là 157.651 ca/ngày, tăng 131% so tuần trước và gấp gần 5 lần chỉ trong vòng 1 tháng, tương đương 10% tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này kể từ đầu đại dịch. Những con số kỷ lục khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong bài phát biểu vào đêm giao thừa đón năm mới đã phải cảnh báo tình cảnh vô cùng khó khăn đang chờ đón nước này trong những tuần đầu tiên của năm 2022.

Với khả năng lây lan cao, Omicron đang trở thành biến thể chủ đạo tại nhiều khu vực của Anh, đẩy số ca mắc mới tại nước này liên tục ở mốc cao kỷ lục, như trong ngày 31/12 vừa qua, với 189.213 ca. Italia cũng lần đầu tiên vượt mốc hơn 100 nghìn ca/ngày trong suốt gần 2 năm xảy ra đại dịch.

Thế giới ghi nhận trên 9,4 triệu ca nhiễm Covid-19 trong tuần cuối cùng năm 2021 -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG 

Những nước ghi nhận tỷ lệ mắc Covid-19 trên 100 nghìn dân cao nhất thế giới hiện nay cũng đều thuộc châu Âu, trong đó tồi tệ nhất là Đan Mạch với 2.045 ca, tiếp theo là Cyprus và Ireland với lần lượt 1.969 và 1.964 ca.

Trong khi đó, Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh cũng đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng nhanh chưa từng thấy, với trung bình hơn 360 nghìn ca/ngày, riêng ngày cuối cùng của năm là 386 nghìn ca.

Hiện Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 56 triệu ca nhiễm và trên 847 nghìn ca tử vong do Covid-19. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), biến thể Omicron đã chiếm 58,6% tổng số các ca nhiễm Covid-19 ở nước này.

Số ca nhiễm mới không ngừng tăng cao khiến nhiều nước trên thế giới phải siết chặt các biện pháp hạn chế hay thu hẹp quy mô, thậm chí là hủy bỏ nhiều sự kiện đón chào năm mới trong năm thứ hai liên tiếp. Trong tuần qua, Mỹ đã phải hủy tới hơn 7.000 chuyến bay do nhiều nhân viên và người lao động làm việc cho các hãng hàng không mắc Covid-19 hoặc đang phải cách ly, khiến hàng nghìn du khách mắc kẹt sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới.

Thế giới ghi nhận trên 9,4 triệu ca nhiễm Covid-19 trong tuần cuối cùng năm 2021 -0
Hành khách đeo khẩu trang di chuyển trong sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta ở Atlanta, Georgia, Mỹ, ngày 22/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Dù chưa rõ độc lực của Omicron, song nghiên cứu mới nhất trên 1 triệu người tại Anh cho thấy, nguy cơ những người nhiễm biến thể này phải nhập viện thấp hơn 3 lần so với chủng Delta. Nhiều nghiên cứu trước đó cũng chứng minh dù tỷ lệ lây nhiễm cao, song Omicron dường như ít gây bệnh nặng và tử vong như các biến thể trước đó. Trên thực tế, số ca tử vong do Covid-19 trong tuần qua trên thế giới đã giảm 9%.

Đáng chú ý, số ca tử vong vì Covid-19 tại châu Âu đang có xu hướng giảm. Tuần qua, khu vực này ghi nhận trung bình 3.000 trường hợp tử vong vì Covid-19 mỗi ngày, giảm 5% so với tuần trước. Đặc biệt, số ca mắc và tử vong ở Nga - 1 trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đã giảm lần lượt 15% và 10% so với tuần trước. Ngày 1/1/2022, lần đầu tiên Nga ghi nhận số ca nhiễm mới dưới ngưỡng 20 nghìn ca kể từ ngày 22/9/2021.

Nam Phi, nơi đầu tiên trên thế giới công bố phát hiện ra biến thể Omicron cũng quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm vào ban đêm, cho phép người dân tổ chức các hoạt động đón năm mới. Trong tuần qua, nước này ghi nhận mức giảm mạnh 44% số ca mắc mới, với 58.896 ca so 105.466 ca bệnh của tuần trước đó.

Giới chức y tế Nam Phi nhận định, xu hướng số ca nhiễm giảm trong tuần qua cho thấy nước này đã qua giai đoạn đỉnh của làn sóng dịch bệnh hiện nay, đặc biệt cũng không ghi nhận sự gia tăng chóng mặt các ca tử vong do mắc Covid-19.

Thế giới ghi nhận trên 9,4 triệu ca nhiễm Covid-19 trong tuần cuối cùng năm 2021 -0
 Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho thanh thiếu niên ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 9/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Hiện các nhà khoa học đang khá lạc quan khi so sánh các đợt dịch bùng phát vào cuối năm 2020 và 2021. Theo đó, 2 đợt bùng phát này giống nhau về số ca mắc mới tăng nhanh chỉ trong vài tuần ở khắp nơi trên thế giới, song số ca nhập viện và tử vong năm 2021 thấp hơn nhiều.

Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan cho rằng, trong năm 2022, giai đoạn cấp bách của đại dịch với thảm kịch về số người nhập viện và tử vong có thể sẽ kết thúc.

Theo ông Ryan, virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 rất khó biến mất hoàn toàn nhưng sẽ lắng xuống với sự lây lan ở mức độ thấp và chỉ thỉnh thoảng gây ra các đợt bùng phát ở những nhóm người chưa được tiêm chủng.

Cùng chung nhận định, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus khẳng định thế giới hiện có tất cả công cụ và nguồn lực để chấm dứt đại dịch. Với những hiểu biết về virus SARS-CoV-2 đã tích lũy trong suốt 2 năm qua, cùng những công cụ hiệu quả trong việc phòng, chống dịch, từ khẩu trang, giữ khoảng cách, vệ sinh, xét nghiệm cho đến vaccine phòng ngừa và phương pháp điều trị, ông Tedros cho rằng thế giới hoàn toàn đủ khả năng để xoay chuyển cuộc khủng hoảng này.