Cùng suy ngẫm

Thể chế hóa mô hình thành phố trong thành phố

Đến thời điểm này, cả nước mới có duy nhất một đơn vị hành chính cấp huyện hoạt động theo mô hình “thành phố trong thành phố”; đó là thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng sắp tới sẽ có một số thành phố trong thành phố ra đời. Đầu tháng 12/2023, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Hà Nội sẽ xây dựng thành phố phía bắc Thủ đô bằng cách gộp các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn lại; thành phố phía tây Thủ đô là khu vực Xuân Mai, Hòa Lạc.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thành phố Thủ Ðức. (Ảnh Hoàng Triều)
Một góc thành phố Thủ Ðức. (Ảnh Hoàng Triều)

Trước đó vài ngày, Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua. Trong đó nêu rõ, đến năm 2025, Hải Phòng sẽ có thành phố Thủy Nguyên, trên cơ sở địa giới hành chính huyện Thủy Nguyên mở rộng. Việc thành lập những thành phố trong thành phố, theo các địa phương là nhằm “tạo động lực, sự đột phá cho sự phát triển kinh tế, xã hội”.

Theo Luật Tổ chức chính quyền, hiện nay, các thành phố trực thuộc trung ương có các đơn vị hành chính là quận, huyện, thị xã. Chỉ những tỉnh trực thuộc trung ương mới có mô hình thành phố trong tỉnh. Bởi vậy, theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì thành phố Thủ Đức về mặt danh nghĩa vẫn là đơn vị hành chính cấp huyện. Nhưng trên thực tế, Thủ Đức có diện tích, dân số tương đương một tỉnh. Thậm chí GRDP của Thủ Đức còn lớn hơn nhiều đơn vị cấp tỉnh khác trong cả nước. Do tính chất đặc biệt đó, cho nên sau ba năm ra đời, Thủ Đức vẫn vận hành theo “cơ chế đặc thù”.

Thực tế cũng cho thấy, sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ Đức không đạt được như kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân quan trọng từ việc thiếu những quy định pháp luật tương ứng với mô hình này. Trong khi đó, một số địa bàn “xếp hàng” thành lập mô hình “thành phố trong thành phố”. Không loại trừ khả năng ngoài Hà Nội, Hải Phòng, sẽ sớm có một... trào lưu xây dựng thành phố trong thành phố.

Những thành phố trong thành phố trong tương lai sẽ hoạt động theo cơ chế nào hay vẫn tiếp tục những chính sách đặc thù? Nhược điểm của cơ chế đặc thù là chỉ giải quyết được những vấn đề đặt ra trước mắt, có tính thời điểm thay vì những vấn đề lâu dài. Bên cạnh đó, khi ban hành những cơ chế đặc thù, lại dễ nảy sinh vấn nạn “xin-cho”, hoặc những quy định trái với quy định của pháp luật nói chung.

Trước khi thông qua phương án phát triển mô hình thành phố trong thành phố ở các địa phương, đều có những cuộc hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, phát triển đô thị... Phần đông chúng ta thấy những ý kiến ủng hộ và phần lớn chúng được tổ chức bởi chính địa phương có nhu cầu... thành lập thành phố trong thành phố.

Từ lý thuyết đến thực tế là một khoảng cách dài, những vướng mắc của thành phố Thủ Đức chính là điển hình. Điều đó đặt ra vấn đề cần có cái nhìn khách quan, khoa học về mô hình thành phố trong thành phố từ cấp trung ương. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, nghiêm túc rút kinh nghiệm những ưu điểm, nhược điểm của mô hình thành phố trong thành phố. Từ đó đề ra các giải pháp có tính chiến lược, có nên tiếp tục phát triển mô hình này hay không. Nếu phát triển, thì cần thể chế hóa quy định một cách lâu dài.

Trước hết, cần đề ra những tiêu chí cụ thể để có thể thành lập mô hình này, thay vì những đề xuất có tính “định tính” chung chung. Tiếp đó, về chính sách, cần có những quy định pháp luật có tính lâu dài cho mô hình này, nhất là về phân cấp, phân quyền, sử dụng ngân sách, các giải pháp sử dụng vốn đầu tư cho hạ tầng...

Nếu không thể chế hóa những quy định, nguy cơ mô hình thành phố trong thành phố sẽ “trăm hoa đua nở”. Trong khi đó, thực tế cho thấy, cái đích của phát triển không phải mô hình, mà là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, dù ở nông thôn hay đô thị.