Thay thế Luật Thủ đô 2012
Thủ đô đang đối mặt những thách thức cả mới và cũ, gặp thêm nhiều vấn đề của quá trình đô thị hóa và lặp lại những điểm nghẽn quy hoạch cả về phần cứng (cơ sở hạ tầng, giao thông, trường học) và phần mềm (phát triển văn hoá, giáo dục, an sinh xã hội). Tại khu vực nội đô, các khu vực đã có tính lịch sử lâu đời, phố cổ, phố cũ, khu vực đô thị mới phụ cận nông thôn quy hoạch còn chưa ổn định; lộ trình thực hiện chưa phù hợp dẫn tới mỗi thời kỳ lại điều chỉnh, thay đổi.
Những điểm nghẽn này gây phát sinh nhiều vấn đề bức xúc và tiềm ẩn rủi ro, bất ổn cho đời sống nhân dân tại các khu vực làng trong phố ở nội đô, như phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm an toàn, quản lý dân cư, không gian và môi trường sống, bảo đảm cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế. Nhiều vấn đề phát sinh ở khu vực phố trong làng ở ngoại thành nông thôn chưa có sự phân định rõ đâu là không gian phát triển đô thị, nơi nào là phát triển khu công nghiệp, nơi nào dành cho khu vực dịch vụ và khu vực nào để phát triển nông thôn, nông nghiệp ổn định lâu dài…
Theo đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, với mục tiêu xây dựng dự thảo luật nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù vượt trội, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô hiện tại thì quy định tại dự thảo luật lần này phải giải quyết được ba nhóm vấn đề lớn. Đó là quy định để xây dựng, phát triển Thủ đô là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước. Nhóm thứ hai, quy định xây dựng, phát triển một địa phương có những vấn đề đặc thù của một thành phố, đô thị đặc biệt và thực hiện phương châm Thủ đô vì cả nước. Nhóm thứ ba, quy định để xây dựng, phát triển Thủ đô là hạt nhân trung tâm thúc đẩy sự phát triển và liên kết vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu cho thấy dự thảo luật mới tập trung nhiều cho nhóm vấn đề thứ hai; các nhóm vấn đề thứ nhất và thứ ba chưa thật sự rõ nét và chưa có nhiều biện pháp hữu hiệu để thực hiện. Do đó, cần phải tiếp tục nghiên cứu các quy định để bảo đảm cân đối hài hòa các mục tiêu được đề ra khi xây dựng dự thảo luật này.
Nhiều kỳ vọng đột phá
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) kể từ khi được đưa ra lấy ý kiến đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân cả nước, cho thấy mức độ quan trọng của văn bản pháp lý đặc thù này. Sau khi được Quốc hội thảo luận ở hội trường vào ngày 27/11, đã có nhiều gợi mở song cũng còn rất nhiều những băn khoăn đặt ra. Dự thảo trình Quốc hội xem xét, gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).
Trong đó dự thảo Luật đã thể hiện tính bao trùm, tổng thể của một văn bản pháp lý ở bước ngoặt quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Chẳng hạn, về quy hoạch; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, dự thảo Luật Thủ đô tăng phân cấp, phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (tương tự như đang thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh)… Hay giao UBND thành lập Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử để huy động nguồn lực cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử.
Các điều khoản dự thảo cũng lồng ghép một số biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 20/10 của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, một số quy định tại Chương VI là không thật sự cần thiết vì trùng lặp với quy định tại các văn bản pháp luật khác hoặc không mang tính quy phạm, không rõ đối tượng áp dụng. Với lý do này, Ủy ban Pháp luật đã đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát để có quy định phù hợp, khả thi, không trùng lặp với các luật khác.
Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sẽ ảnh hưởng không chỉ người dân trên địa bàn mà còn đông đảo đối tượng khác. Do đó cần có sự chỉnh sửa sâu sát, có cân nhắc những yếu tố an sinh, “lấy người dân làm trung tâm”, khuyến khích chính quyền “kiến tạo” và phát triển, thay vì chỉ đề ra những quy định kỹ thuật thuần túy hay chính sách vĩ mô mà lại thiếu kế hoạch thực thi. Đồng thời, cũng phải tránh chồng chéo trong quản lý, giảm thiểu những lúng túng khi triển khai hạn chế gây khó khăn cho cả người dân và các cơ quan quản lý khác.
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2012, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Ðây là văn bản pháp lý quan trọng, quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng phát triển, bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên, sau 10 năm thi hành, Luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập trong nhiều lĩnh vực.