Thay thế sắn bị khảm lá bằng giống cây kháng bệnh

Liên tiếp những niên vụ sắn vừa qua, mặc dù tỉnh Quảng Ngãi nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bệnh vi-rút khảm lá sắn, nhưng diễn biến của bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn. Các vùng trồng sắn trong tỉnh đều bị nhiễm bệnh, gây thiệt hại về năng suất và chất lượng, dẫn đến giảm thu nhập của người trồng sắn.

Vụ sắn năm nay, gần như toàn bộ diện tích sắn ở huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) bị nhiễm bệnh nặng.
Vụ sắn năm nay, gần như toàn bộ diện tích sắn ở huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) bị nhiễm bệnh nặng.

Ở Quảng Ngãi, sắn là cây lương thực chính của cư dân nhiều vùng, nhất là ở các huyện miền núi. Đây là cây trồng có lợi thế phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở nhiều địa phương nên diện tích sắn hằng năm tương đối ổn định, dao động từ 16.460 ha đến 17.946 ha, năng suất bình quân đạt 194 tạ/ha, sản lượng từ 311.416 tấn đến 348.550 tấn/năm.

Bệnh khảm lá sắn lần đầu  xuất hiện tại xã Sơn Giang, huyện miền núi Sơn Hà vào tháng 9/2019. Đến nay, bệnh lây lan nhanh ra tất cả các vùng trồng sắn trên địa bàn tỉnh. Nếu như niên vụ 2019-2020, toàn tỉnh có gần 4.800 ha sắn bị nhiễm bệnh thì đến niên vụ 2020-2021 tăng lên 8.332 ha, chiếm 53,36% so với diện tích trồng. Dịch bệnh khảm lá lây lan nhanh làm giảm năng suất và chất lượng tinh bột, riêng số diện tích bị bệnh gây hại nặng ngay từ giai đoạn cây con sẽ gây mất trắng. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, niên vụ sắn 2019-2020, sản lượng sắn trên địa bàn tỉnh sụt giảm khoảng 23.244 tấn (thiệt hại 56 tỷ đồng); niên vụ 2020-2021 sụt giảm khoảng 40.618 tấn (gần 100 tỷ đồng).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, niên vụ 2021-2022, toàn tỉnh dự kiến trồng 16.600 ha sắn, đến thời điểm này, đã trồng được hơn 11.637 ha với các loại giống như KM94, KM140, KM419, KM7… Qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, hiện bệnh khảm lá gây hại phổ biến trên tất cả các giống sắn đang trồng trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích bị nhiễm bệnh hơn 7.597 ha, chiếm 65,28% so với diện tích trồng. Trong đó, diện tích sắn có tỷ lệ nhiễm bệnh hơn 70% lên đến gần 6.200 ha, tăng gần 1.800 ha so với niên vụ sắn 2020-2021.
 
Huyện Sơn Hà có vùng nguyên liệu sắn lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn tỉnh. Đây cũng là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do bệnh khảm lá gây ra, từ chỗ ban đầu tổng diện tích nhiễm bệnh chỉ 30% đến nay tăng lên 93%. 

Kiểm tra thực tế những cánh đồng sắn ở Sơn Hà, mọi người trong đoàn công tác của tỉnh đều xót lòng khi chứng kiến cảnh nhiều người dân thẫn thờ nhìn ruộng sắn bị bệnh khảm lá còi cọc, lá xoăn, nhăn nhúm, mùa vụ mất trắng đang hiển hiện. 

Vội lau những giọt mồ hôi trên mặt khi chăm sóc sắn dưới thời tiết nắng nóng, ông Đinh Văn Hân, dân tộc H’re ở xã Sơn Cao cho hay, năm ngoái bệnh khảm lá hoành hành khiến nông dân trồng sắn ở Sơn Cao bị thiệt hại nặng. Bước sang vụ sắn năm nay, nông dân trong xã chạy đôn, chạy đáo tìm mua hom giống sạch bệnh nhưng không có nên đành sử dụng hom giống vụ trước trồng lại. Khi cây sắn đến giai đoạn phát triển thân, lá, bệnh khảm lá tiếp tục gây hại nặng nề hơn. Dẫu biết vụ mùa sắn này sẽ thất bát nhưng nông dân vẫn cố công chăm sóc với hy vọng đến ngày thu hoạch gỡ gạc lại ít ỏi số vốn đã bỏ ra.

Không chỉ ở xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà mà hàng chục nghìn nông dân trồng sắn ở Quảng Ngãi rơi vào tình cảnh tương tự. 

Trong khi nông dân trồng sắn tiếp tục gặp khó thì ngành chức năng và các địa phương ở Quảng Ngãi vẫn đang loay hoay tìm nguồn giống sắn sạch bệnh, kháng bệnh và chuyển đổi diện tích đất trồng sắn sang cây trồng khác. 

Trên thực tế, việc chuyển đổi từ cây sắn sang các loại cây trồng như lạc, cây cỏ chăn nuôi, ngô sinh khối, rau các loại… gặp nhiều trở ngại.  

Đối với việc tìm nguồn giống sắn kháng bệnh để trồng nhân giống cho những vụ tiếp theo lại càng gian nan hơn. Sau một thời gian đặt hàng, mãi đến đầu tháng 1 năm 2022, Viện Di truyền nông nghiệp mới giao cho Quảng Ngãi 100 nghìn hom sắn kháng bệnh HN3. Từ nguồn giống sắn này, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi phối hợp cùng huyện Sơn Hà và Nghĩa Hành cấp phát cho nông dân trồng khảo nghiệm hai mô hình với diện tích 10 ha. Qua kiểm tra, cây sắn HN3 sinh trưởng phát triển tốt, đang trong giai đoạn phát triển thân lá và bắt đầu phình củ, chưa xuất hiện bệnh khảm lá, trong khi vùng liền kề nông dân sử dụng giống sắn KM94 nhiễm bệnh đã xuất hiện gây hại tỷ lệ bệnh lên đến 60-70%. 

“Tốc độ nhân giống rất lâu, bình quân 10 ha giống thì số hom giống lấy trồng cho vụ sau chỉ được 60 ha. Theo đà này, phải mất nhiều năm tới, nông dân Quảng Ngãi mới có đủ lượng giống sắn kháng bệnh để trồng. Vì vậy, ngành nông nghiệp đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí mua hom giống kháng bệnh để tiếp tục nhân giống”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, quyết tâm của tỉnh là đến năm 2027, toàn bộ diện tích trồng sắn trong tỉnh được thay thế trồng giống kháng bệnh, khắc phục triệt để bệnh khảm lá. Ngay từ bây giờ, các địa phương phải vận động nông dân không dùng giống sắn nhiễm bệnh để trồng, tạm ngừng sản xuất một vụ để loại trừ mầm bệnh nhằm giảm thiệt hại. Bên cạnh đó, cần có giải pháp quyết liệt hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất trồng sắn.