Những mối nguy
Hơn 10 năm qua, người dân ở thị trấn Bằng Lũng và xã Ngọc Phái (Chợ Đồn) luôn phải sống trong nỗi sợ hãi đất sụt lún bất ngờ. Các hố sụt lún xuất hiện theo chiều hướng tăng dần, có hố diện tích hàng trăm mét vuông, sâu cả chục mét, “nuốt chửng” đất ruộng, ao, vườn, làm nứt, vỡ nền nhà nhiều hộ. Dẫn chúng tôi ra điểm sụt tại ruộng, chị Lưu Thị Chiến, thôn Phiêng Liềng, xã Ngọc Phái cho biết, đầu năm 2019, ở góc đám ruộng rộng hơn 3.000 m2 của gia đình bất ngờ xuất hiện một hố sụt vào ban đêm, “nuốt” trọn một khối lượng đất màu. Hố sụt ban đầu chỉ rộng 4 m, sau đó càng ngày càng rộng ra, độ sâu chừng 9 đến 10 m, lớp đất màu bên trên chỉ dày chừng 50 cm, phía dưới toàn cuội, sỏi.
Ông Cam Văn Khải, tổ Bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng vay vốn ngân hàng, đầu tư hơn 200 triệu đồng đào, kè xây một ao cá lớn. Sắp đến kỳ thu hoạch nhưng đến tháng 11-2018, chỉ trong một đêm, sát bờ và trong ao nhà ông xuất hiện liên tiếp bốn hố sụt lớn, trong đó, hố lớn nhất có diện tích khoảng 315 m2, sâu 12 đến 15 m, “nuốt” gọn một bụi tre đường kính khoảng 6 m, cao hơn 10 m, bụi tre tuột xuống hố không thấy ngọn đâu. Các hố sụt này đã “đưa” toàn bộ nước và cá trong ao của ông Khải vào lòng đất. Ông Khải cho biết: Sau khi sụt lún xảy ra, chính quyền địa phương cũng đã tới kiểm tra. Một số đơn vị khai thác khoáng sản khu vực lân cận cũng hứa sẽ hỗ trợ, san lấp hố nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Gia đình tôi khốn đốn vì trả nợ ngân hàng, đến nay, chỉ có khoảnh đất này có thể canh tác được nhưng sợ lại sụt lún tiếp cho nên đành bỏ không.
Theo thống kê của UBND huyện Chợ Đồn, từ năm 2009 đến 2018, trên địa bàn xã Ngọc Phái, thị trấn Bằng Lũng đã xảy ra hơn 100 hố sụt. Năm 2019, số lượng hố sụt xuất hiện giảm đi nhưng vẫn xuất hiện tới 25 lần ở các thôn Phiêng Liềng, Nà Tùm (xã Ngọc Phái) và Bản Tàn, tổ 10 (thị trấn Bằng Lũng). Nhiều hố sụt lún nhiều lần trong một ngày. Đáng lo ngại hơn, tại xã Ngọc Phái, nhà của các hộ dân Nông Thị Tuy, Nông Văn Nam, Trịnh Văn Lâm (thôn Phiêng Liềng), Hoàng Văn Tính (thôn Bản Ỏm) xuất hiện nhiều vết nứt mới rộng từ 0,3 cm - 0,9 cm, các vết nứt cũ trên nền và tường nhà có chiều hướng dãn rộng ra. Tháng 3-2020, tại tổ 10, thị trấn Bằng Lũng xuất hiện hố sụt rộng khoảng 1,5 m, chiều sâu khoảng 1,5 m tại vườn nhà ông Triệu Hữu Minh. Biện pháp duy nhất hiện nay huyện Chợ Đồn đang triển khai chỉ là tuyên truyền nhân dân không hoang mang, rào chắn cảnh báo, trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, không lại gần hố sụt để bảo đảm an toàn.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn Triệu Huy Chung cho biết: Từ năm 2019, ngành tài nguyên và môi trường đã điều tra, đánh giá, xác định nguyên nhân gây nên hiện tượng sụt lún tại đây. Chúng tôi thật sự lo lắng vì hiện tượng sụt lún đã gây ra nứt đất, tường nhà một số hộ dân. Do đó, huyện kiến nghị cần sớm công bố nguyên nhân và có giải pháp cụ thể sớm để có thể quy hoạch, triển khai xây dựng cơ bản, phát triển sản xuất, bảo đảm an toàn cho nhân dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, trên địa bàn có khoảng 2.300 điểm có nguy cơ sạt lở, sạt trượt mức cao, đe dọa tính mạng và tài sản của hơn 2.600 hộ dân. Nhiều điểm từ chỗ có nguy cơ đã trở thành hiểm họa thật sự. Quốc lộ 3, đoạn từ Chợ Mới tới TP Bắc Kạn chỉ khoảng 30 km nhưng có đến chín vị trí nguy cơ sạt lở cao do một bên là núi cao, vách dựng đứng, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, đá lăn khi các lớp đá vôi bị phong hóa, mất liên kết. Ngày 3-8-2019, anh Trần Kim Tuấn, sinh năm (SN) 2002 chở bà Trần Thị Tư (SN 1943) theo quốc lộ 3 từ TP Bắc Kạn về nhà, đến Km 142+700, đoạn qua địa phận thôn Bản Giác, xã Hòa Mục, bất ngờ hàng trăm tảng đá lớn, nhỏ xô xuống từ đỉnh núi, hất văng anh Tuấn ra đường, vùi lấp khiến bà Tư chết tại chỗ, anh Tuấn bị thương nặng. Đá lở còn làm bị thương anh Ma Văn Đàm (SN 1983), trú tại xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).
Thiếu mặt bằng dẫn đến hầu hết dân tại các địa phương phải san ủi đồi, khoét núi làm nhà ở, hình thành những khu dân cư nằm dưới ta-luy dương, tăng nguy cơ sạt lở rất cao. Tháng 3-2019, tại thôn Nà Giảo, xã Yến Dương (Ba Bể), một khối lượng đất đá lớn từ ta-luy dương phía sau nhà ông Hoàng Văn Việt, xô xuống, vùi lấp một phần căn nhà của gia đình khiến hai chị em ruột là Ma Hoàng Diễm (SN 2009) và Ma Hoàng An Nguyên (SN 2015) chết. Tại xã Thanh Mai (Chợ Mới), thôn Trung tâm có khoảng 20 hộ dân sinh sống trong vùng cảnh báo có nguy cơ bị sạt lở cao. Tháng 8-2019, tám hộ dân trong thôn bị đất, đá sạt từ ta-luy dương xuống với khối lượng hơn 3.000 m2, đổ vào nhà gây hư hại tài sản. Khu vực này hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa năm nay nhưng địa phương thiếu kinh phí cho nên chưa thể khắc phục triệt để.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể Lưu Quốc Trung cho biết, do nền địa chất yếu, nhiều hộ phải san ủi đồi để có mặt bằng làm nhà dẫn đến thiên tai, sạt lở đất, đá thường xuyên xảy ra. Huyện đang rất khó khăn trong xử lý tình trạng này do thiếu vốn. Những nơi có vốn thi công thì một số hộ dân lại không muốn chuyển đến nơi ở mới do nơi cũ còn có đất sản xuất.
Cần thêm nguồn lực để giải quyết
Để bảo đảm an toàn cuộc sống cho nhân dân, tỉnh Bắc Kạn phê duyệt Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư, giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025 để triển khai 79 dự án bố trí ổn định dân cư cho 2.609 hộ dân với tổng vốn hơn 600 tỷ đồng.Tuy nhiên, từ năm 2016 đến 2019, tỉnh mới chỉ bố trí được hơn 118 tỷ đồng xây dựng sáu dự án bố trí dân cư tập trung, năm phương án bố trí dân cư xen ghép, ổn định chỗ ở cho 244 hộ dân. Một số dự án đã hoàn thành, được đánh giá hiệu quả tốt, như: dự án di dân tái định cư vùng thiên tai tại thôn Khâu Vai, xã Bộc Bố (Pác Nặm) ổn định cho 15 hộ vùng sạt lở đất núi, đá lăn; dự án bố trí dân cư cho vùng thiên tai thôn Khuổi Tẩu, xã Phúc Lộc (Ba Bể) ổn định cho 13 hộ dân... Các hộ tại điểm bố trí được cấp bình quân 288 m2 đất ở/hộ; 1,56 ha đất sản xuất/hộ; hơn 90% được sử dụng nước sạch; 100% được sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 90% có nhà kiên cố; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 16%... Mặc dù vậy, nếu so với thực tế thì chưa thấm vào đâu vì kết quả thực hiện các dự án bố trí tập trung đạt rất thấp, mới chỉ hơn 26%. So với tổng số hơn 2.600 hộ cần bố trí thì số chưa có chỗ ở an toàn thật sự là điều đáng lo ngại trong mùa mưa sắp tới.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn Hà Kim Oanh cho biết, toàn bộ nguồn lực đầu tư, Bắc Kạn chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ Trung ương, do vậy, quy hoạch bố trí sắp xếp ổn định dân cư đã có nhưng nhiều nơi chỉ để đó. Ngoài ra, do đặc thù địa lý, để tìm đất cho dự án bố trí tập trung cũng là điều rất khó khăn, người dân đến nơi ở mới thường thiếu đất rừng, đất sản xuất do vậy các hộ thường không muốn di dời. Chưa kể, mức hỗ trợ di chuyển chỉ được khoảng 70 triệu đồng/hộ là rất thấp, khiến người dân khó khăn khi tới nơi ở mới. Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn Nông Văn Kỳ cho biết, dự kiến trong tháng tới, kết quả điều tra, xác định nguyên nhân sụt lún ở huyện Chợ Đồn sẽ được bàn giao cho tỉnh. Sau khi tiếp nhận, kết quả sẽ được công bố công khai, rộng rãi, là căn cứ để triển khai các giải pháp xử lý triệt để tình trạng sụt lún, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Khắc phục việc thiếu vốn, đối với những vùng nguy cơ sạt lở, Bắc Kạn đang tập trung thực hiện các phương án bố trí dân cư xen ghép và tại chỗ với mức đầu tư thấp. Đối với vùng sụt lún tại Chợ Đồn, tỉnh chỉ đạo tạm dừng hoạt động của các mỏ khoáng sản khu vực lân cận; tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng ngừa nguy cơ sụt lún. Tuy nhiên, ở Bắc Kạn lại đang tồn tại nhiều khu tái định cư không phát huy hiệu quả, thậm chí bỏ hoang vì dân không đến ở, gây lãng phí vốn đầu tư. Khu vực sụt lún tại Chợ Đồn chậm công bố kết quả xác định nguyên nhân, chưa rõ giải pháp cụ thể đang khiến nhân dân bất an, lo lắng. Đây là điều cần được Trung ương, tỉnh Bắc Kạn quan tâm để bảo đảm nhân dân yên tâm sinh sống.