Chuyển biến từ Chỉ thị 16
Chúng tôi đến Tháp Mười vào một ngày thời tiết không thuận lợi, khi mà trời mưa khá to kèm theo gió lớn.
Dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp lực lượng làm nhiệm vụ vẫn giữ chốt trực phòng, chống Covid-19, cứ cách vài km lại thấy những chốt như thế.
Chợt nhớ đến những ngày qua, thấy trên mạng xã hội đưa lên các dòng trạng thái như: “Ở Tháp Mười trực chốt khó quá”, “Tháp Mười làm nghiêm Chỉ thị 16 quá”, “Cách lách để vào Tháp Mười mà không thể, anh em nào chỉ giúp”…
Và có cả những dòng trạng thái: “Tháp Mười đến giờ vẫn ổn định là quá tuyệt vời”, “Chốt trực nghiêm tại các cửa ngõ để bảo đảm an toàn cho Đồng Tháp là điều mình luôn mong muốn”, “Mong Tháp Mười tiếp tục làm tốt nhé”…
Từ đó mới thấy, để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, từ lãnh đạo huyện, ngành chức năng ở Tháp Mười, và cả người dân đã cố gắng nỗ lực không ngừng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đến nay, Tháp Mười có 31 ca nhiễm Covid-19, là một trong những địa phương có ít số ca nhiễm nhất của tỉnh Đồng Tháp, có 106 trường hợp F1. Các ổ dịch cũng như các ca nhiễm tại địa phương cũng được kiểm soát, điều trị tốt.
Là địa phương giáp với hai tỉnh lân cận có số ca nhiễm cao. Những ngày đầu tiên các tỉnh thực hiện Chỉ thị 16, mỗi ngày, trên các quốc lộ, tỉnh lộ, đường nông thôn trên địa bàn Tháp Mười đều có khá đông người dân từ ngoài tỉnh trở về quê nhà Đồng Tháp và các tỉnh An Giang, Kiên Giang…
Có người về thực hiện đúng quy định, nhiễm Covid-19 được đưa đi điều trị, có người tiếp xúc F0 thì được cách ly tập trung, nhưng cũng có không ít người trở về địa phương, không trình được giấy tờ, thủ tục theo quy định nên đã quay trở lại.
Tại các chốt trực ở những xã có địa bàn giáp với tỉnh Tiền Giang, những ngày này, để đảm bảo cho việc vận chuyển hàng nông sản qua lại, cũng như phòng ngừa những trường hợp qua lại địa bàn sai quy định trong mùa dịch, nhiều địa phương đã tích cực trực kiểm tra cả đường bộ lẫn đường thủy.
Tại xã Phú Điền, hiện các chốt tạo điều kiện tối đa mặt hàng nông sản qua lại. Tuy nhiên, lực lượng tại chốt cũng yêu cầu trường hợp không đủ điều kiện qua chốt quay trở lại.
Toàn xã Phú Điền có tổng cộng bảy chốt trực phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có một chốt đường thủy giáp xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
“Thực hiện Chỉ thị 16, ngoài tổ liên ngành, xã còn cho thành lập hai tổ đi kiểm tra, qua đó xử phạt hai trường hợp không đeo khẩu trang, một trường hợp từ tỉnh Tiền Giang lấy xuồng của người khác để bơi đến địa bàn xã mà không qua chốt chặn khai báo. Có nhiều trường hợp xung đột, xe giao hàng thiết yếu, nhưng đi từ Hậu Giang về không đủ giấy tờ theo quy định, không cho qua chốt, tuy nhiên chốt vẫn tạo điều kiện cho xe trung chuyển”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Điền Trương Thanh Hợp cho biết.
Ngoài ra, thực hiện Chỉ thị 16, người dân ở Phú Điền đang có những chuyển biến khá tốt. Theo UBND xã Phú Điền, xã vận động hộ dân cứ ba ngày đi chợ một lần.
Người ra vào chợ bình quân hàng ngày trước đây lên hơn 1.000 lượt, qua đánh giá từ hôm thành lập chốt tại chợ Phú Điền, lượng người đi chợ giảm nhiều. Chốt hướng dẫn người mua lẫn người bán phải thực hiện nghiêm việc giãn cách, đeo khẩu trang. Hiện, trung bình mỗi ngày chỉ còn từ 150 đến 200 lượt người đi chợ.
Siết chặt địa bàn quản lý
Từ ngày 24/6 đến nay, huyện Tháp Mười có năm ổ dịch tại năm xã, tất cả đều trong vùng kiểm soát. Mỗi khu vực phong tỏa từ 30 hộ dân đến gần 250 hộ dân, tất cả đều được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát.
Tháp Mười có sáu doanh nghiệp với hơn 260 công nhân đang hoạt động. Huyện cho kiểm tra các doanh nghiệp thường xuyên, đều có làm cam kết với huyện ba tại chỗ.
Đối với khu cách ly, Tháp Mười đủ điều kiện cách ly tập trung cho 500 người, đảm bảo quy mô 10 người cho mỗi khu vệ sinh; mỗi phòng ở sáu người, do phòng rộng nên mỗi người trong phòng đều giữ được khoảng cách hơn hai mét.
Hiện, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười đang điều trị tám F0, nhận định tiên lượng bệnh giảm và tiến triển tốt.
Phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là nghiêm túc trong thực hiện Chỉ thị 16, Tháp Mười luôn có sự quyết liệt trong gìn giữ địa bàn. Huyện cũng phấn đấu không để phát sinh nguồn lây.
Bí thư Huyện ủy Tháp Mười, Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết: “Trong công tác truy vết, huyện luôn nắm chặt tình hình các ca nhiễm, nghi nhiễm, địa chỉ cụ thể, nắm thông tin chính thống và cả không chính thống ở các nguồn từ những điểm test nhanh ngoài địa bàn huyện Tháp Mười. Mưa cũng đi, truy vết từ khuya đến sáng cũng đi, nên lực lượng làm việc không nề hà, truy vết chừng nào ra được các trường hợp F1 mới thôi”.
Mới đây, trong đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện Tháp Mười, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đánh giá cao Tháp Mười thời gian qua luôn có sự chủ động trong phòng, chống dịch.
Tháp Mười là một trong những địa phương tỉnh giữ cho được hiện trạng, phấn đấu trở thành điểm tốt, để tỉnh “dồn sức” chống dịch cho các địa phương khác đang nóng, - đồng chí Lê Quốc Phong nói.
“Đề nghị Tháp Mười tiếp tục giữ chặt địa bàn, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Tháp Mười có cửa ngõ vào tỉnh, nguy cơ rất cao, đặc biệt giờ dịch bệnh ở các tỉnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long đang còn diễn biến phức tạp. Tỉnh ủng hộ huyện Tháp Mười làm chặt, nghiêm ngặt, bám theo chủ trương của tỉnh và các quy định hiện hành để làm cho tốt.” - đồng chí Lê Quốc Phong đề nghị.
“Những người đi lại trên đường cũng phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, phải giảm tối đa về số lượng, đi trên đường là đúng thực thi nhiệm vụ. Nếu ra đường không làm đúng nhiệm vụ, kiểm tra không phải đi công việc mà đi chuyện riêng thì cứ phạt nghiêm và gửi thông tin về đơn vị, doanh nghiệp người bị xử phạt”, đồng chí Lê Quốc Phong lưu ý.
Song song đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu, trong công tác xét nghiệm tầm soát, Tháp Mười phải tổ chức lại lực lượng đội hình lấy mẫu. Trong xét nghiệm, Tháp Mười phải có tính chủ động trong các công đoạn triển khai lấy mẫu trên địa bàn, vận chuyển mẫu.
Trong quản lý doanh nghiệp, đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy đề nghị tăng cường kiểm tra, tăng cường giám sát việc thực hiện ba tại chỗ. Dù số lượng doanh nghiệp trên địa bàn huyện và số công nhân đang tham gia sản xuất không nhiều, nhưng phải làm nghiêm túc.
”Tôi ghi nhận Tháp Mười có sáu doanh nghiệp thực hiện ba tại chỗ, đề nghị không phát sinh thêm doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào vi phạm, đề nghị lập biên bản xử lý đúng theo quy định” - đồng chí Lê Quốc Phong nói.
Thời gian qua, huyện Tháp Mười xác định việc theo dõi tốt địa bàn thì mới kiểm soát được tình hình, còn nếu lơ lỏng sẽ phát sinh ra những vấn đề phức tạp liên quan đến dịch bệnh. Huyện tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
“Trước thành quả đạt được trong những ngày qua, huyện sẽ làm và làm chặt hơn trong việc hạn chế người và phương tiện qua lại trên đường không đúng quy định để nỗ lực hết sức mình, dốc hết sức giữ vững công tác tiến công chống dịch lâu dài”, Bí thư Huyện ủy Tháp Mười, Nguyễn Văn Vũ Minh khẳng định.