Chúng tôi tìm đến xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp, nơi vừa có ca nhiễm SARS-CoV-2 được nhiều người dân và truyền thông nhắc đến. Xã có bốn ấp, hơn 12.500 nhân khẩu, trong đó có ấp giáp tỉnh Tiền Giang (địa phương có một ca nhiễm SARS-CoV-2 được Bộ Y tế công bố trưa 5-6-2021).
Len lỏi vào các tuyến đường nông thôn, dù có nhiều cây xanh, nhưng dưới tiết trời tháng 6 gay gắt khiến người chúng tôi đẫm mồ hôi. Thế nhưng, “độ nóng” về thông tin dịch bệnh trên địa bàn thậm chí còn có phần hơn cả thời tiết. Có điều, trong lúc này, những người dân mà chúng tôi gặp, tiếp xúc đều cho thấy sự thận trọng và hoàn toàn không có sự hoang mang.
Một ngày ở Tháp Mười, chúng tôi mới cảm nhận được tinh thần chống dịch quyết liệt của những người dân nơi đây. “Đề nghị người dân hạn chế ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết”, “Thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế”, “Khai báo y tế khi từ địa phương khác về (ngoài tỉnh)” là những dòng thông tin ngắn gọn được đặt ngay cửa ngõ ba chốt kiểm soát dịch trên địa bàn Phú Điền.
Đi sâu vào ấp Mỹ Tân, trên con đường nhựa nối liền xã Phú Điền và xã Đốc Binh Kiều thường tấp nập thì nay lại khá vắng lặng, thưa thớt xe qua lại, nhiều nhà đóng kín cổng. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh và trên tuyến đường này có nơi ở của ca Covid-19 và các trường hợp F1 đã được đưa đi điều trị bệnh, cách ly tập trung, cho nên người dân rất hạn chế đi ngang qua, trừ trường hợp thật sự cần thiết.
“Ngày thường thì bà con hàng xóm ngồi nói chuyện với nhau. Giờ dịch bệnh rồi, đóng cổng giữ khoảng cách cho an toàn, cần thiết lắm mới đi ra ngoài. Gia đình tôi giải trí bằng ti-vi, người thân có nhớ nhau thì gọi điện bằng video. Khi nào tình hình dịch bệnh ổn thì mới ngồi với nhau nói chuyện”, chị Phạm Thị Hồng Vân, 56 tuổi, ngụ ấp Mỹ Tân chia sẻ.
Đi cùng chúng tôi có Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Phú Điền Trương Thanh Hợp. Cứ cách một đoạn, xe đồng chí Bí thư xã chạy lướt qua, bà con trong nhà vẫy tay chào, có người còn nói với theo “Con và các anh em chống dịch cố lên nghen”.
Những ngày này, điện thoại của đồng chí Hợp liên tiếp nhận được các cuộc gọi, dòng tin nhắn của đồng nghiệp, chỉ đạo của cấp trên về phòng, chống dịch Covid-19 và cả những cuộc gọi của bà con nông dân trên địa bàn xã. Có cuộc gọi rất cấp bách và cả những dòng tin nhắn thân thương: “Tình hình dịch bệnh xã mình sao rồi”, “Cô muốn hỗ trợ nước uống giúp các cháu trực chốt kiểm soát dịch”, “Chừng nào bến đò cho hoạt động trở lại”,…
Đồng chí Trương Thanh Hợp tâm sự: “Thực sự mà nói, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt, rất chủ động. Bà con nhân dân luôn đồng hành và phối hợp rất tốt trong công tác phòng, chống dịch bệnh”.
Trời đứng nắng, chúng tôi dừng chân tại chốt kiểm soát dịch Đầu doi kênh năm - kênh tư mới. Bốn nhân viên ở các lực lượng đang túc trực gồm: Công an, Quân sự, Y tế và Đoàn Thanh niên ngồi dưới trời nắng như thiêu đốt, dù có mái che nhưng áo vẫn đẫm mồ hôi. Thấy chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nguyệt, phụ trách y tế cũng tiến hành đo thân nhiệt, sát khuẩn tay như những người đi đường khác.
Từ khi trên địa bàn xã xuất hiện trường hợp nhiễm Covid-19, chị Nguyệt cũng tự nguyện đăng ký tham gia túc trực tại đây. “Dịch bệnh diễn biến phức tạp, mình cũng như bao người khác, cùng góp công góp sức mà phòng chống. Trời nắng này, đôi lúc thoáng mệt. Ráng chịu khó một thời gian ngắn để xã mình, huyện mình sống an toàn lâu dài”, chị Nguyễn Thị Nguyệt bộc bạch.
Đó còn là hình ảnh của em Huỳnh Văn Hơn, Dân quân thường trực (Ban Chỉ huy Quân sự xã Phú Điền) luôn tập trung công việc được giao là ghi sổ sách các phương tiện ngoài địa phương ra vào chốt. Vừa nói với chúng tôi, nhưng Hơn không quên nhiệm vụ, mắt em vẫn hướng về phía xa để quan sát phương tiện đi lại. Hơn kể: “Con em được tám tháng tuổi. Em đi như vầy, vợ em ở nhà chăm sóc bé cũng vất vả, nhưng vợ khuyên em cứ yên tâm làm tốt nhiệm vụ”.
Khi chúng tôi chuẩn bị đi sang chốt khác, bất chợt thấy một người đi xe máy dừng lại chốt, tay cầm theo một lốc nước giải khát. Đó là anh Trần Văn Hải, làm nghề chăn nuôi, nhà trên địa bàn ấp Mỹ Tân. Mấy hôm nay, dù rằng xã không trực tiếp vận động, nhưng mỗi khi đi ngang qua các chốt, thấy lực lượng làm nhiệm vụ vất vả dưới cái nắng nóng gay gắt, anh cầm lòng không đặng.
“Vì an toàn cho người dân mà mấy cán bộ mình vất vả quá. Làm việc nhà mà cứ nhớ đến mọi người trực ở chốt, nên tôi mua nước mang đến từng chốt. Của ít lòng nhiều mà”, anh Hải chia sẻ.
Không chỉ riêng anh Hải, hỏi lực lượng tại các chốt, chúng tôi được biết mấy hôm nay, nhiều người dân mang các nhu yếu phẩm như: nước, bánh, trà đến tặng lực lượng làm nhiệm vụ. Điện, bàn ghế và cả lều trực cũng có người dân mang đến hỗ trợ.
Người làm công tác phòng, chống dịch là vậy. Bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, dù khó khăn đến mấy, nguy hiểm đến mấy cũng không chùn bước. Phía người dân, phần vì ý thức trước dịch bệnh, phần vì thương lực lượng phòng, chống dịch ở xã ngày đêm vất vả trực và truy vết các trường hợp tiếp xúc gần ca nhiễm, nên luôn phối hợp tốt trong công tác phòng, chống dịch.
Trên đường từ xã Phú Điền ra thị trấn Mỹ An của huyện Tháp Mười, dù ở sân nhà hay cửa hàng tạp hóa, trạm xăng, chúng tôi đều bắt gặp người dân tuân thủ tốt quy định phòng dịch, trong đó có giữ khoảng cách và đeo khẩu trang. Có chủ tiệm vắng khách nằm võng nghỉ ngơi nhưng chiếc khẩu trang vẫn gắn liền trên khuôn mặt họ.
Một ngày ở Tháp Mười, dẫu rằng không gian vắng lặng khác thường hơn những lần chúng tôi đến, dẫu rằng các trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm vẫn chưa có kết quả âm tính lần hai, nhưng tôi tin chắc rằng, tình hình dịch bệnh ở đây sẽ sớm ổn định trở lại. Bởi nơi ấy, có những bà con nông dân luôn nêu cao ý thức phòng chống dịch. Ở nơi ấy, lực lượng tuyến đầu không quản gian khó ngày đêm canh giữ chốt.