Ðiều này đòi hỏi các cơ quan chức năng của Thủ đô phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm hơn, có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nhằm tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Nhiều dự án vướng mặt bằng
Khởi công từ tháng 10/2023, nhưng đến đầu tháng 5/2024, dự án xây dựng tuyến nối đại lộ Thăng Long với đường cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình (tổng mức đầu tư 5.249 tỷ đồng), mới khoan được mũi đầu tiên do không có mặt bằng. Dự án có chiều dài khoảng 6,7 km, dự kiến năm 2026 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội Ðỗ Việt Hưng cho biết, tuyến đường có tổng diện tích phải thu hồi, giải phóng mặt bằng gần 106 ha.
Theo kế hoạch, tháng 4/2024, địa phương phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên đến hiện tại, đơn vị thi công mới nhận bàn giao khoảng 7 ha, chiếm chưa đến 7% diện tích mặt bằng. Ðể tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội đề xuất tách phần giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, giao Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư.
Một dự án trọng điểm khác tại Hà Nội, nối đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ với đường vành đai 3 (trên cao), được khởi công giữa năm 2023, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025, nhưng đến nay tiến độ thi công gần như "giẫm chân tại chỗ" do không có công địa thi công. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội, sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giảm tải cho nút giao Pháp Vân-Giải Phóng.
Ðại diện chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội) cho hay, hiện các nhà thầu đang thi công trên phần đất thuộc phạm vi đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ và đường vành đai 3, phạm vi thi công khá hẹp, toàn bộ mặt bằng còn lại chưa được địa phương bàn giao. Ông Nguyễn Chí Hiếu, chỉ huy trưởng gói thầu số 1 thuộc dự án cho biết, đơn vị đã ký hợp đồng và cam kết với chủ đầu tư triển khai xây dựng dự án trong vòng 760 ngày, với điều kiện có mặt bằng kịp thời.
Không chỉ hai công trình giao thông mới triển khai này gặp khó khăn về mặt bằng, hàng loạt dự án trọng điểm khác trên địa bàn Thủ đô cũng đang trầy trật "đánh vật" với tiến độ do khâu giải phóng mặt bằng ách tắc. Ðơn cử, dự án xây dựng đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục với tổng mức đầu tư 7.211 tỷ đồng, thời gian triển khai từ năm 2019 đến 2024, tuy nhiên, đến hết năm 2023, dự án mới giải ngân được 1.729 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, hai quận Ba Ðình, Ðống Ða mới đang thực hiện đến bước đo đạc hồ sơ kỹ thuật thửa đất và kiểm đếm tài sản được 1.993/1.995 hộ dân (98,2%).
Một dự án khác là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Văn Ðiển-Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) dài khoảng 3,8 km, thi công từ năm 2011 đến nay, hơn 10 năm mới chỉ đạt 40% khối lượng, còn lại vẫn ngổn ngang, vừa mất an toàn giao thông, vừa gây ô nhiễm môi trường. Tổng diện tích thu hồi đất của dự án gần 187.000m2 trên địa bàn huyện Thanh Trì, trong đó, phần đất và tài sản (nhà cửa) gắn liền trên đất của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức gần 97.000m2, tương ứng 797 phương án. Tổng mức đầu tư của dự án gần 888 tỷ đồng, nhưng riêng chi phí đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã lên đến hơn 620 tỷ đồng.
Công trình thi công gói thầu số 9 dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Văn Ðiển-Ngọc Hồi. (Ảnh ÐĂNG ANH) |
Tăng tính chủ động cho địa phương
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, khó khăn chính của dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Văn Ðiển-Ngọc Hồi là khối lượng giải phóng mặt bằng các hộ dân lớn, nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của các hộ rất phức tạp, khoảng 450 hộ dân sử dụng đất có nguồn gốc là đất lấn chiếm, đất được giao trái thẩm quyền,…
Có thời điểm, dự án phải tạm dừng để tổ chức kiểm tra, làm rõ nguồn gốc đất đai, cho nên dù đã triển khai hơn 10 năm nay, nhưng hiện vẫn còn 165 phương án với 23.258m2 chưa được bàn giao mặt bằng. Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì dự kiến bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong quý II năm 2024.
Hơn 10 năm vật lộn với dự án, ông Lương Hữu Ðức, Chỉ huy trưởng công trường gói thầu số 9 cho biết: Việc bàn giao mặt bằng dự án theo kiểu "xôi đỗ", cho nên nhà thầu rất khó thi công, nếu có làm cũng không hiệu quả, không đạt tiến độ, chất lượng công trình.
Ðại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho rằng, đối với công tác giải phóng mặt bằng, cần phải được triển khai sớm một bước, nhằm chủ động hơn trong thi công. Như dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô, thành phố Hà Nội đã đề xuất tách phần giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập. Từ đó, giải phóng mặt bằng đi trước một bước, không phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của công trình, thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần giải phóng mặt bằng thường sẽ triển khai nhanh hơn so với việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư do không có yếu tố kỹ thuật phức tạp, không phải thỏa thuận với nhiều đơn vị quản lý. Chính việc giao cho các quận, huyện làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng, cho nên dù khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn, tính chất phức tạp, nhưng chỉ từ quý III năm 2022 đến nay, thành phố Hà Nội đã thu hồi được hơn 773 ha trên tổng số hơn 791 ha đất, đạt 97,41%, di chuyển hơn 10 nghìn ngôi mộ, đạt 97,55%, hoàn thành 10 khu tái định cư, ba khu tái định cư còn lại đã cơ bản hoàn thành.
Từ thực tế triển khai giải phóng mặt bằng đường vành đai 4, Ban Quản lý dự án đã báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhân rộng chủ trương này đối với các dự án nhóm A, dự án trọng điểm của thành phố. Ðó là tách công tác giải phóng mặt bằng, giao cho địa phương nơi có dự án đi qua làm chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Mỹ Ðình-Ba Sao-Bái Ðính; mở rộng Quốc lộ 6; đường 70 đoạn Hà Ðông-Văn Ðiển-nút giao Tứ Hiệp; cầu Thượng Cát,... và tiếp tục nghiên cứu nhân rộng chủ trương này đối với các dự án thuộc các lĩnh vực khác, có phạm vi giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố.