Ngày làm việc thứ 14, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII

Thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

* Chính phủ trình bốn dự án Luật
Ngày 6-11, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 14. Buổi sáng, QH làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
 

Đại biểu QH tỉnh Thanh Hóa phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.
Đại biểu QH tỉnh Thanh Hóa phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về: dự án Luật Xây dựng (sửa đổi); dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Làm rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với đất đai

Mở đầu phiên họp, QH nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của UBTVQH. Báo cáo cho biết, tại kỳ họp thứ tư, QH đã cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), có 174 ý kiến đại biểu QH phát biểu tại tổ và 55 ý kiến phát biểu tại Hội trường về dự án Luật.

Ngay sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu QH và nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện dự thảo Luật báo cáo UBTVQH. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH, ý kiến của UBTVQH tại phiên họp thứ 13 và 14, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 563 giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đề cập quyền và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) và nhiều đại biểu cho rằng, mỗi quốc gia đều có ranh giới, chủ quyền lãnh thổ; đất đai là tài sản thiêng liêng của quốc gia, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho mỗi tập thể, cá nhân, nội dung Điều 4, Chương 1, khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này là cần thiết, khắc phục được nguy cơ xâm chiếm đất đai, lãnh thổ, đe dọa đến sự tồn vong của quốc gia. Một số đại biểu còn băn khoăn, dự thảo Luật chưa làm rõ cơ chế về quyền quản lý, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước đối với đất đai; cần làm rõ hơn vai trò của QH, trách nhiệm của Nhà nước trong công tác quản lý đất đai. Một số đại biểu đề nghị, cần làm rõ các khái niệm về quy hoạch sử dụng đất, đất lưu không, thu hồi đất, thu hồi quyền sử dụng đất... Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) và một số đại biểu cho rằng, hiện nay, đất canh tác của người dân miền núi đang dần bị thu hẹp, đời sống nhân dân còn thiếu thốn. Trong khi đó, các doanh nghiệp, nông lâm trường trên địa bàn vì sản xuất gặp khó khăn, cho nên giao khoán đất cho người dân theo kiểu "phát canh thu tô". Thực tế trên đã gây ra việc tranh chấp đất đai, gây bức xúc ở địa phương. Do vậy, QH cần nghiên cứu đưa vào dự thảo Luật cơ chế thu hồi đất của những doanh nghiệp, nông lâm trường này để giao đất cho người dân sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống.

Bảo đảm quyền lợi của người dân khi thu hồi đất Đề cập vấn đề thu hồi đất (Điều 62), một số đại biểu đề nghị, để bảo đảm quyền lợi cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất, cần bổ sung chế tài, xử lý nghiêm các trường hợp thu hồi đất tràn lan. Thực tế hiện nay, nhiều khu công nghiệp thu hồi đất của dân giá rẻ, đền bù không thỏa đáng. Trong khi đó, Nhà nước rót kinh phí nuôicác khu công nghiệp này, nhưng việc triển khai dự án chậm tiến độ, bỏ dở, hoặc dự án treo, gây lãng phí tiền của Nhà nước, dân không có đất sản xuất... Công tác quản lý, giao đất, thu hồi đất đều do UBND các tỉnh, thành phố tiến hành, mỗi địa phương tự xác định một giá đền bù, chính quyền địa phương chẳng khác nào "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Hơn nữa, tại nhiều địa phương, việc định giá đền bù còn chênh lệch cao; không ít hộ dân đang ở trên mảnh đất hiện tại, khi Nhà nước thu hồi đất, chuyển ra ở vị trí mới phải trả giá đất cao hơn gấp nhiều lần, dẫn đến tình trạng làm nhà trái phép. Khi thu hồi đất, doanh nghiệp đền bù chưa thỏa đáng, người dân bị thiệt thòi, đời sống gặp khó khăn hơn nơi ở cũ...

Đại biểu Ya DucK (Lâm Đồng) và một số đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần xác lập khung giá đất phù hợp; quy định việc thành lập cơ quan định giá đất riêng biệt, bảo đảm thống nhất, độc lập với cơ quan quản lý đất, giao đất, thu hồi đất; giá đất được đền bù phải phù hợp giá thị trường trong cùng thời điểm, cùng một xã nhưng thời điểm thu hồi khác nhau thì đền bù giá đất khác nhau. Cùng với đó, dự thảo cần xác định cơ chế giám sát việc đền bù khi thu hồi đất, bảo đảm chặt chẽ, hạn chế thấp nhất xảy ra tình trạng tiêu cực, gây thiệt thòi cho người dân. Đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng, việc thu hồi đất phải bảo đảm công bằng, dân chủ và công khai, và có sự trao đổi, thống nhất giữa chủ đầu tư với người dân bị thu hồi đất. Một số đại biểu cho rằng, đối với bà con đồng bào dân tộc, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích đang sử dụng hợp pháp, người có đất khi Nhà nước thu hồi được tư vấn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống của người dân.

Chính phủ trình bốn dự án luật

Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại Hội trường, nghe Chính phủ trình bốn dự án Luật.

Theo đó, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), nêu rõ: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Xây dựng (năm 2003) cũng bộc lộ những mặt hạn chế, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nước ta trong giai đoạn hiện nay, hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng còn bất cập, yếu kém. Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN và MT) của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra, cho rằng: Hoạt động đầu tư xây dựng có tính chất phức tạp, đa dạng. Hơn nữa, từ năm 2003 đến nay, QH đã và đang chuẩn bị ban hành hoặc sửa đổi nhiều văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động xây dựng. Do đó, Ủy ban KH, CN và MT đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cơ quan có liên quan rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật để bảo đảm sự thống nhất với một số dự án luật đang được trình Quốc hội, đặc biệt là dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư công, với hệ thống pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế.

Tiếp theo, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tờ trình nêu rõ: Qua tổng kết, đánh giá tám năm thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 cho thấy, một số quy định trong pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa phù hợp, chưa sát thực tế, thiếu cụ thể dẫn đến chậm đi vào cuộc sống, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập quốc tế; còn những chồng chéo và khoảng trống trong các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đã nảy sinh sự chồng chéo, thiếu tính đồng bộ trong các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường với pháp luật khác có liên quan bảo vệ môi trường. Những nguyên nhân nêu trên đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Báo cáo thẩm tra dự án luật này do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và MT của QH Phan Xuân Dũng trình bày, cho biết: Dự thảo Luật có 12 điều giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 18 điều giao các bộ, ngành hữu quan hướng dẫn chi tiết mới thực hiện được, đây là số lượng lớn. Dự thảo Luật còn một số điều, khoản quy định chung chung; chuẩn mực pháp lý về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường thiếu cụ thể, cho nên khó áp dụng.

Trong buổi chiều, các đại biểu QH nghe: Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này.

Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Tránh hiện tượng thu hồi đất tràn lan, gây bức xúc

Để thực hiện có hiệu quả và hạn chế việc khiếu nại của người dân về giá đền bù đất, vấn đề quan trọng là cần xây dựng cơ chế chính sách giá đất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi. Trong quy trình lập quy hoạch sử dụng đất nhằm mục đích phát triển kinh tế, phải tiến hành điều tra, khảo sát, cân đối nhu cầu sử dụng đất cho mục đích đầu tư, cân đối nguồn lực đầu tư theo kế hoạch hằng năm và dự báo cho cả kỳ một cách khoa học, chính xác, hiệu quả và phù hợp với tốc độ phát triển ở từng lĩnh vực. Lựa chọn vị trí đất để đưa vào quy hoạch phát triển kinh tế, phải xem xét các yếu tố về thực trạng, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, tiềm năng đất đai, mật độ dân số, mức độ ảnh hưởng của người dân khi mất đất, tác động của môi trường. Khi đầu tư dự án, phải quy định cụ thể để tránh việc thu hồi đất tràn lan, gây bức xúc xã hội và phải bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi nhằm bảo đảm phát triển bền vững.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (TP Hà Nội)

Làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm trong cơ chế đại diện và quản lý đất

Điều 4, Chương 1 Dự thảo quy định: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý" là cần thiết, bảo đảm sự thống nhất tinh thần và nguồn lực vật chất, sức mạnh tổng hợp chống các nguy cơ đe dọa chủ quyền quốc gia.

Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2003 với hơn 200 văn bản hướng dẫn (trong đó có 13 Nghị định, 65 văn bản hướng dẫn thi hành, hơn 150 văn bản liên quan khác) vẫn chưa làm rõ được cơ chế đại diện quyền sở hữu bảo đảm tính quốc gia đối với sở hữu đất đai và phòng ngừa tình trạng tham nhũng, lạm dụng trong quản lý và sử dụng đất đai.

Tôi đề nghị bổ sung, và quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Quốc hội và cơ quan khác trong cơ chế đại diện và quản lý đất đai.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình)

Điều chỉnh bất hợp lý trong giao đất nông nghiệp

Tôi đồng ý với Khoản 4, Điều 210, thực chất đây là quy định kế thừa của Luật Đất đai năm 1993 và năm 2003.

Tuy nhiên, khi thực hiện quy định này thì đồng nghĩa với việc sẽ không có sự điều chỉnh về đất nông nghiệp đã giao ổn định cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng từ tháng 10-1993 đến hết tháng 10-2013 (là 20 năm). Đây là điều mà rất nhiều cử tri băn khoăn và có ý kiến, vì Nhà nước đã giao đất 20 năm, sau khi hết hạn thì phải điều chỉnh lại. Nhưng nay không điều chỉnh lại sẽ xuất hiện mâu thuẫn. Tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có hướng dẫn các địa phương giải quyết vấn đề nói trên, bảo đảm ổn định trong nông nghiệp, nông thôn.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP HẢI PHÒNG)

Làm rõ khái niệm thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn khái niệm thu hồi đất phục vụ mục đích kinh tế -xã hội. Đây là một khái niệm cần được làm rõ để tránh bị lợi dụng. Theo đó, phải phân loại chính xác các loại dự án phát triển kinh tế - xã hội cho các mục đích và lợi ích cụ thể, tách các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi phạm vi các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong chính sách thu hồi đất

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre)

Thu ngân sách từ đất hiệu quả chưa cao

Người dân cho biết, mọi vấn đề khi đụng tới đất là có thuế và có phí, không biết vấn đề nào thuộc quản lý nhà nước mà dân được Nhà nước lo, vấn đề nào là dịch vụ buộc phải thuê hoặc trả tiền. Sự chưa minh bạch này đã bị lạm dụng và thực tế ngân sách thu được từ đất cũng chưa nhiều nhưng những vấn đề bị lạm dụng khác thì người dân đang phải gánh chịu. QH cần cân nhắc kỹ và yêu cầu Chính phủ báo cáo rõ, đánh giá hiệu quả, tách chức năng quản lý nhà nước về đất đai ra khỏi chức năng làm dịch vụ, tính toán lại biên chế tổ chức trên tinh thần cải cách từng bộ máy theo quan điểm chỉ đạo của Đảng ta hiện nay.