Tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp lĩnh vực xây dựng

NDO - Trong những năm qua, hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần được khắc phục, tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp lĩnh vực xây dựng

Ngày 15/7, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị phổ biến, tập huấn pháp luật về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng tại trụ sở Bộ, với hơn 150 đại biểu tham dự, bao gồm đại diện các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan.

Hội nghị tập trung phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật mới về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng (Luật số 56/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Nghị định 157/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP, các quy định của pháp luật về chi phí giám định, bồi dưỡng giám định; Thông tư số 17/2021/TT-BXD ngày 22/12/2021 quy định một số nội dung về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng).

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng trao đổi, thảo luận để khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác lựa chọn, trưng cầu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định; tiếp nhận trưng cầu, bàn giao hồ sơ tài liệu phục vụ giám định; quy trình thực hiện giám định; tạm ứng, thanh toán chi phí, bồi dưỡng giám định; tham dự phiên tòa; sự phối hợp giữa các cơ quan trưng cầu và các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định trong việc xác định nội dung giám định, cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ giám định, xác định thời hạn giám định;…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng, cho rằng, cùng với hệ thống quy định pháp luật về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng ngày càng hoàn thiện, thực tế trong những năm qua, hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, các tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng được tăng lên về số lượng, chất lượng; công tác giám định tư pháp ngày càng được nâng cao về chất lượng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng, hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần được khắc phục, tháo gỡ.

“Hội nghị nhằm phổ biến các quy định của pháp luật mới về giám định tư pháp, xây dựng và trao đổi, thảo luận để khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp xây dựng, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng phục vụ việc điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh.

Tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp lĩnh vực xây dựng ảnh 1
Toàn cảnh hội nghị.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức thực hiện một số giải pháp nhằm từng bước đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng. Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hành lang kỹ thuật quy chuẩn, tiêu chuẩn, cơ chế chính sách bảo đảm khuyến khích, thu hút hiệu quả lực lượng giám định tư pháp xây dựng.

Cùng với đó, Bộ sẽ chú trọng phổ biến, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp luật liên quan công tác giám định, định giá tài sản cho các tổ chức, cá nhân tham gia giám định tư pháp xây dựng và kiện toàn hệ thống các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện giám định tư pháp xây dựng;….

Bộ Xây dựng cũng sẽ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, bảo đảm lực lượng giám định tư pháp; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng làm giám định tại địa phương.

Đối với các cơ quan trưng cầu, Bộ Xây dựng sẽ đề nghị các cơ quan này nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế, chính sách tài chính đối với công tác giám định tư pháp, đặc biệt đối với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khi thực hiện nhiệm vụ giám định; quy định cụ thể các trường hợp được quyền từ chối giám định tư pháp; quy định chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm quy định của pháp luật trong việc thực hiện giám định tư pháp.