Tháo gỡ vướng mắc đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Gia Lai

NDO - Chiều 12/5, tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, đoàn công tác do đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Ngoại giao làm Trưởng đoàn đã chủ trì Hội nghị về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Gia Lai với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh và thành phố Pleiku.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai.

Theo số liệu thống kê, trong những tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP quý 1/2023 trên địa bàn tỉnh Gia Lai ước đạt hơn 5,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng ước đạt 30.950 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh như nông nghiệp, công nghiệp, chăn nuôi và dịch vụ cũng đã có chiều hướng tăng trưởng trong những tháng đầu năm. Năm 2023, tỉnh Gia Lai được giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công hơn 4.000 tỷ đồng, tính đến ngày 4/5 Gia Lai đã giải ngân hơn 335 tỷ, đạt hơn 8% kế hoạch.

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng tỉnh Gia Lai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện theo kế hoạch đầu tư công và các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai còn chồng chéo; một số quy định theo Luật Đầu tư công chưa phù hợp với thực tế; thiếu văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn cụ thể trong tổ chức thực hiện và một số quy định do Trung ương ban hành, hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế tại địa phương.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị tỉnh Gia Lai cần tập trung tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như cà-phê, cao-su, tiêu… Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh, như du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế chủ lực và mới của tỉnh.

“Gia Lai phải đẩy mạnh đầu tư công vào xây dựng và nâng cấp các hạ tầng giao thông, điện lực, thông tin liên lạc để kết nối Gia Lai với các tỉnh lân cận và các khu vực khác trong nước và khu vực. Đặc biệt, ưu tiên hoàn thiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, liên vùng…” - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gợi mở.

Riêng đối với các ý kiến, kiến nghị mà địa phương đề xuất liên quan đến các dự án chuẩn bị triển khai và đang triển khai trên địa bàn tỉnh, Bộ trưởng và Đoàn công tác của Chính phủ sẽ tổng hợp để đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm có sự hỗ trợ, giúp đỡ để tỉnh khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án, sớm đưa các công trình vào sử dụng phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Tháo gỡ vướng mắc đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Gia Lai ảnh 2

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra thực tế tiến độ thực hiện Dự án đường Nguyễn Văn Linh (TP PleiKu).

* Trước đó, đồng chí Bùi Thanh Sơn và Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế một số dự án dự kiến triển khai và đang triển khai xây dựng tại TP Pleiku như: Dự án đường Hoàng Sa (vướng mắc không có nguồn để triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng); đường Trần Can (dự kiến chuyển nguồn vốn từ đường Hoàng Sa sang); đường Lê Đại Hành (vướng mắc do hụt thu ngân sách nguồn sử dụng đất nên chưa có nguồn để thanh toán) và Dự án đường Nguyễn Văn Linh…