Trước đó, ngày 9-2, Bộ Công thương có Văn bản số 828/BCT-ĐL xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (sau đây gọi tắt là dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII)..
Theo đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11-2-2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đánh giá việc phát triển ngành năng lượng nói chung và phân ngành điện nói riêng như sau: “Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện;…. Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, là điều kiện quan trọng cho việc bảo đảm an ninh cung ứng điện. Đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo”.
Ngày 18-3-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030. Trải qua hơn bốn năm thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành điện về cơ bản đã bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng của đất nước.
Thời điểm hiện tại, đã có nhiều biến động lớn trong phát triển điện lực. Những biến động này có tác động lớn tới tình hình phát triển điện lực của Việt Nam. Vì vậy, việc lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) là nhiệm vụ cấp bách và có tính thời sự cao.
Trong tương lai, sự phát triển của ngành điện Việt Nam sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức lớn hơn trong việc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Để vượt qua các khó khăn, thách thức, bảo đảm cung cấp điện ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng của đất nước, cần thiết phải xây dựng Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Quy hoạch sẽ định hướng được tương lai phát triển của ngành điện; định lượng các giá trị mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ và phân bổ không gian của các công trình nguồn điện, lưới điện và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch.
Tọa đàm tập trung vào hai chủ đề. Đó là “Thách thức trong bảo đảm an ninh năng lượng và cơ hội từ phát triển năng lượng tái tạo” và “Chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam”.
Tại chương trình, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã chia sẻ những ý kiến nhằm đánh giá về sự khả thi của các nguồn năng lượng hóa thạch, năng lượng tái tạo nhằm tháo gỡ những nút thắt trong dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp để phát triển ngành năng lượng gắn liền với phát triển nền kinh tế đất nước; tìm kiếm những nguồn năng lượng tái tạo nhằm phát triển bền vững, lâu dài. Từ đó, có thể cung cấp thông tin cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định chính sách phù hợp.