Tháo gỡ ngay các khó khăn, tạo đột phá về đất đai trong tầm nhìn dài hạn

NDO - Chiều 25/2, tại thành phố Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; 26 tỉnh, thành phố phía bắc; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa chính trị quan trọng với tầm ảnh hưởng, tác động rộng lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, bảo vệ môi trường, gìn giữ lợi ích cho các thế hệ mai sau. Do đó, ngay từ rất sớm, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành, địa phương, tổ chức chính trị-xã hội đã phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, tập trung chuẩn bị công tác lấy ý kiến về dự thảo luật trong các tầng lớp nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp…

Tháo gỡ ngay các khó khăn, tạo đột phá về đất đai trong tầm nhìn dài hạn ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu và kỳ vọng của dự thảo luật sau khi trình Quốc hội và được ban hành là tháo gỡ được ngay các khó khăn, tạo ra đổi mới đột phá về đất đai trong tầm nhìn dài hạn; phát huy nguồn lực này để hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa chính trị quan trọng với tầm ảnh hưởng, tác động rộng lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, bảo vệ môi trường, gìn giữ lợi ích cho các thế hệ mai sau.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước và người dân về sở hữu, sử dụng đất đai, Phó Thủ tướng nói, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Nêu thực tế khó khăn trong định giá đất sát giá thị trường, Phó Thủ tướng cho rằng, bài toán đặt ra là cần xác định giá đất trong điều kiện ổn định bình thường với những cơ chế thu thập dữ liệu giao dịch đất đai thường xuyên, kế thừa các phương pháp định giá cụ thể khác như so sánh, thặng dư, hiệu quả kinh doanh, định giá đất theo hệ số...

“Mọi vấn đề xoay quanh giá đất, Nhà nước - với vai trò đại diện sở hữu đất đai toàn dân, phải có cơ chế kiểm soát hiệu quả, thống nhất về giá đất, làm cơ sở đền bù, tái định cư, bảo đảm công bằng, điều chỉnh hài hòa lợi ích của các chủ thể, khu vực liên quan”, Phó Thủ tướng gợi mở.

Về định giá đất, Phó Thủ tướng cho biết, dự thảo Luật xây dựng theo hướng thu thập, cập nhật dữ liệu giá đất giao dịch đất đai thường xuyên, trong điều kiện ổn định bình thường, tiến tới xây dựng bản đồ giá đất sát giá thị trường trên cả nước, làm cơ sở để thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đất đai, đền bù, bồi thường, tái định cư…

Mọi vấn đề xoay quanh giá đất, Nhà nước - với vai trò đại diện sở hữu đất đai toàn dân, phải có cơ chế kiểm soát hiệu quả, thống nhất về giá đất, làm cơ sở đền bù, tái định cư, bảo đảm công bằng, điều chỉnh hài hòa lợi ích của các chủ thể, khu vực liên quan.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

“Trong khi chưa có đầy đủ dữ liệu đất đai, phải tiếp tục áp dụng các phương pháp xác định giá đất trong trường hợp đền bù hoặc có các hoạt động thương mại, chuyển mục đích sử dụng đất”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Tại Hội nghị, đại điện các tỉnh, thành phố đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư; bảng giá đất; việc áp dụng giá đất cho các trường hợp thuê đất trả tiền hằng năm; các trường hợp nhận chuyển nhượng (thỏa thuận) để chuyển mục đích sử dụng đất; quy mô các dự án Nhà nước đứng ra giải phóng mặt bằng để đấu giá quyền sử dụng đất; trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng…